Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng trên nhiều mặt trận
Diễn biến mới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản ngày 29/6/2019. Ảnh: AFP |
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh bầu cử Tổng thống Mỹ tới gần và nền kinh tế thế giới “bầm giập” vì COVID-19, không có mấy hy vọng cải thiện mối quan hệ này trước khi Mỹ có chính quyền mới. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định, mặc dù Mỹ và Trung Quốc nhất trí hoãn leo thang cuộc chiến thương mại, nhưng căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng trong các vấn đề khác.
Ngày 22/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa 9 thực thể mới của Trung Quốc vào "danh sách đen" kinh tế. Trong thông báo, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ cho biết Viện Khoa học Pháp y của Bộ Công an Trung Quốc và 8 công ty của Trung Quốc sẽ bị đưa vào Danh sách các thực thể này và phải đối mặt với các hạn chế thương mại.
Các đối tượng trong danh sách đen kinh tế sẽ phải đối mặt với một số hạn chế đối với các mặt hàng của Mỹ theo Quy định Quản lý Xuất khẩu, bao gồm các yêu cầu giấy phép bổ sung, đối với các cá nhân hoặc tổ chức được cho là có liên quan đến "các hoạt động đi ngược lại với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại" của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết việc bổ sung vào danh sách đen nói trên thể hiện cam kết của Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn chặn việc sử dụng chính hàng hóa và công nghệ của Mỹ vào các hoạt động làm suy yếu lợi ích của quốc gia này.
Tuần trước, Thượng viện Mỹ cũng thống nhất thông qua một dự luật buộc các công ty phải rời khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu họ không tuân thủ quy định của Mỹ về kiểm toán. Kiểm toán là điều mà nhiều công ty Trung Quốc chưa sẵn sàng hoặc không thể thực hiện.
Đáp lại động thái này, Trung Quốc cho rằng dự luật nói trên nhằm vào các công ty Trung Quốc và dự luật sẽ chính trị hóa việc quản lý chứng khoán. Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc phản đối dự luật và cho rằng động thái này sẽ làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu đối với các thị trường Mỹ và vị thế toàn cầu của các thị trường này.
Ủy ban trên nói: “Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư toàn cầu sẽ đưa ra lựa chọn thông thái theo điều có lợi nhất cho họ… Dự luật hoàn toàn phớt lờ quá trình hợp tác lâu dài giữa cơ quan quản lý Mỹ và Trung Quốc trong tăng cường giám sát và kiểm toán”.
Tranh cãi Mỹ-Trung về quản lý chứng khoán diễn ra sau khi chuỗi cà phê Luckin Coffee niêm yết ở New York thừa nhận làm giả số liệu doanh thu 310 triệu USD. Tiết lộ này khiến giá cổ phiếu một số công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán New York giảm mạnh. Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến ở Trung Quốc với vốn hóa thị trường 35 tỷ USD, tuần trước cho biết đang nghĩ lại việc niêm yết trên sàn New York sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật mới.
Gần đây, Mỹ cũng đã thắt chặt trừng phạt tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Bắc Kinh có thể sớm trả đũa Washington và quyết định ngăn cản hoạt động của Huawei. Trích dẫn một nguồn giấu tên, tờ báo này cho biết các công ty Mỹ như Apple, Qualcomm, Cisco và Boeing có thể bị hạn chế kinh doanh ở Trung Quốc.
Đầu tháng 5, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho quỹ lương hưu chính phủ liên bang không đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Động thái này đã khiến Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 24/5 nói rằng một số lực lượng chính trị ở Mỹ đang tìm cách đẩy hai nước vào “Chiến tranh Lạnh mới”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, ông Vương Nghị khẳng định âm mưu nguy hiểm nhằm "quay ngược bánh xe lịch sử" phải bị chặn đứng. Theo ông Vương Nghị, ý đồ này có thể phá hỏng thành quả hợp tác mà nhân dân hai nước đạt được trong nhiều năm qua, làm suy yếu sự phát triển tương lai của Mỹ cũng như gây nguy hiểm cho sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn cam kết cùng phát triển các mối quan hệ thông qua sự phối hợp, hợp tác và ổn định với Mỹ. Ông khẳng định Trung Quốc và Mỹ sẽ và phải tìm ra giải pháp hòa bình, hợp tác cùng tồn tại và cùng có lợi.
Các động thái trên đánh dấu bước lùi trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp hai nước đang “đình chiến” trong chiến tranh thương mại sau khi áp thuế “ăn miếng trả miếng” trong suốt gần 2 năm qua.
Khả năng cải thiện
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải, phía trước) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) ký ở Washington D.C ngày 15/1 có nguy cơ sụp đổ. Ảnh: THX/TTXVN |
Ông Graham Allison, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Harvard, nhận định với kênh CNBC (Mỹ): Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trên đà xấu hơn và kết cục sẽ là tình huống mà cả hai bên đều thua cuộc, nhất là khi lãnh đạo cả hai nước đều phải tìm cách duy trì kiểm soát trong nước khi mà đại dịch COVID-19 đang tàn phá cả hai nền kinh tế.
Giáo sư Allison nhận định: “Tôi cho rằng tình hình này sẽ xấu đi ở mọi khía cạnh và tôi hy vọng sẽ không gây tổn hại lâu dài”. Ông cho rằng quan hệ đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến thỏa thuận thương mại giai đoạn một sụp đổ và hai nước tiếp tục cuộc khẩu chiến đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc COVID-19.
Ngoài Giáo sư Allison, các chuyên gia khác cũng cảnh báo rằng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Trung Quốc sẽ đối mặt khó khăn khi thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ phải mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ trị giá 200 tỷ USD trong năm nay và năm sau. Khi nền kinh tế chưa suy giảm do đại dịch, những điều khoản trong thỏa thuận đã bị coi là khó thực hiện. 200 tỷ USD là con số cao hơn giá trị hàng hóa mà Trung Quốc nhập hàng năm từ Mỹ trước khi có thương chiến. Các nhà phân tích coi thỏa thuận giai đoạn một là thách thức lớn.
Ông David Dollar, thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings, nhận định: “Mục tiêu mua hàng hóa trong thỏa thuận giai đoạn một lúc nào cũng phi thực tế và giờ thì bất khả thi”. Theo các nhà kinh tế, Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu hơn 6% mỗi tháng trong 2 năm để tuân thủ điều khoản thỏa thuận. Thay vào đó, trong tình hình dịch bệnh, hàng nhập khẩu từ Mỹ lại giảm 6% trong bốn tháng đầu năm 2020.
Một số người cũng cảnh báo căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng có thể dẫn tới một Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, ông Cheng Li, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings lại nhận định không bên nào sẵn sàng cho cuộc chiến đó, ngay cả khi quan hệ song phương đang lao dốc nhanh hơn dự đoán. Ông nói: “Tôi cho rằng chiến tranh sẽ gây tàn phá, sẽ không có người thắng cuộc. Cuộc chiến này nên, và có lẽ, phải bị chặn đứng”.
Thách thức hiện nay là xử lý thành công mối quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng xa cách nhằm hạn chế gián đoạn mà vẫn cho phép hai bên hội nhập bền vững ở một mức độ nào đó cả về kinh tế và chiến lược.
Khi mà bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, Giáo sư Allison cho rằng khó có thể hy vọng hai bên đối thoại xây dựng cho tới khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức vào tháng 1/2021. Từ nay tới đó, rủi ro quan hệ song phương suy thoái thêm có lẽ sẽ cao hơn bao giờ hết. Trong thời gian còn lại của năm, điều tốt nhất mà thế giới có thể hy vọng là thiệt hại không cần thiết mà quan hệ Mỹ-Trung gây ra sẽ ở mức hạn chế.