Mỹ tham vọng đưa lò phản ứng hạt nhân lên Mặt Trăng và Sao Hỏa
Chuyên gia UFO phát hiện "bằng chứng 100%" về người ngoài hành tinh trên Mặt trăng Công ty khởi nghiệp Nhật Bản dấn thân vào cuộc đua vũ trụ |
Bộ Năng lượng Mỹ đã chính thức đề nghị lĩnh vực tư nhân tham gia đóng góp ý tưởng để xây dựng hệ thống năng lượng bề mặt phân hạch, cho phép con người có thể sống trong khoảng thời gian dài trong các môi trường không gian khắc nghiệt.
Mỹ tham vọng đưa lò phản ứng hạt nhân lên Mặt Trăng và Sao Hỏa. Ảnh minh họa: Investia |
Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho, một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở phía đông Idaho, cùng Bộ Năng lượng và Cơ quan hàng không vũ trụ (NASA), sẽ cùng đánh giá các ý tưởng về việc phát triển lò phản ứng hạt nhân như vậy.
Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho hiện đang đi đầu ở Mỹ về các lò phản ứng tiên tiến, trong đó có cả các lò phản ứng siêu nhỏ và các lò phản ứng không cần nước làm mát.
Các lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng nước là loại phổ biến trên thế giới hiện nay.
“Các lò phản ứng hạt nhân nhỏ có thể cung cấp năng lượng điện cần thiết cho các nhiệm vụ khám phá không gian mà chính phủ Liên bang quan tâm”, Bộ Năng lượng Mỹ viết trong một thông báo đăng tải hôm 24/7.
Bộ Năng lượng, NASA và Liên minh Năng lượng Battelle - nhà thầu Mỹ quản lý Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho, dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến trong tháng 8 về chương trình đầy tham vọng này.
Kế hoạch có 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là tạo một bản thiết kế lò phản ứng hạt nhân. Giai đoạn thứ 2 là xây dựng một lò phản ứng thử nghiệm, cùng một lò phản ứng thứ 2 để gửi lên Mặt trăng, phát triển hệ thống bay và hạ cánh để có thể vận chuyển lò phản ứng hạt nhân lên Mặt Trăng. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2026 sẽ có một lò phản ứng hạt nhân, hệ thống bay và hạ cánh sẵn sàng hoạt động.
Lò phản ứng phải có khả năng sản xuất điện ít nhất 10 kilowatt liên tục không gián đoạn. Theo Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ, một hộ gia đình trung bình ở Mỹ sử dụng khoảng 11.000 kilowatt giờ mỗi năm. Để đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện điện trên Mặt trăng hoặc Sao hỏa, sẽ cần phải có nhiều lò phản ứng liên kết với nhau.
Ngoài ra, lò phản ứng phải có trọng lượng dưới 3.500 kg để có thể vận hành trên không gian, chủ yếu là tự động, và hoạt động ít nhất 10 năm.
Bộ Năng lượng cho biết, lò phản ứng này dự kiến sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ khám phá ở khu vực cực nam Mặt Trăng. Khu vực cụ thể khám phá Sao hỏa hiện chưa được xác định.
Edwin Lyman, Giám đốc tổ chức phi chính phủ An toàn năng lượng hạt nhân, bày tỏ lo ngại các thông số của thiết kế cùng mốc thời gian dự kiến hoàn thành có thể khiến các lò phản ứng hạt nhân như vậy sẽ phải sử dụng urani làm giàu mức độ cao - loại có thể sử dụng để chế tạo vũ khí [hạt nhân].
“Điều này có thể khơi nguồn cho một cuộc chạy đua không gian để xây dựng và triển khai các loại lò phản ứng đòi hỏi urani làm giàu cấp độ cao”, ông Lyman nói.