Lời khuyên “vàng” cho sĩ tử trước kỳ thi vào lớp 10
Đề Văn về công việc của người thợ gạch không làm khó sĩ tử thi Chuyên Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sĩ tử Nét đẹp truyền thống lễ chùa, xin chữ đầu năm |
Cuộc đua khốc liệt của hơn 106.000 sĩ tử
“Giai đoạn nước rút, con chỉ chỉ ngủ 3-4 tiếng/ngày, lịch học thêm kín mít. Tình trạng căng thẳng, lo âu và stress đã đè nặng em nhiều ngày nay”, đó là chia sẻ của học sinh Nguyễn Anh Vinh (học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi).
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày 8-9/6 với 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Năm nay, thành phố có gần 135.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023-2024, với hơn 106.000 sĩ tử đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025.
Học sinh "chạy nước rút" luyện thi vào 10 |
Trong số các học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Còn lại, các em phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm GDNN-GDTX, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng.
Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây tại Hà Nội, dự kiến khoảng 81.000 em đỗ vào các trường công lập. 54.000 em còn lại không sở hữu "tấm vé" vào công lập sẽ phải theo học trường tư hoặc trường nghề.
Chính vì tỷ lệ “chọi” cao nên áp lực của học sinh là rất lớn. Để giành được “tấm vé” vào lớp 10 công lập, bắt buộc các em phải chăm chỉ "cày cuốc". Bởi lẽ đó, ngoài lịch học chính khóa ở trường, nhiều em còn kín lịch học thêm, ôn thi ngày đêm dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng.
Nhiều ngày nay, ông Hoàng Ngọc Tuấn (50 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng cả ngày lẫn đêm. Năm nay, cậu con trai nhà ông sẽ tham gia thi vào lớp 10, trong đó có 2 trường Chuyên và 1 trường gần nhà.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn chờ con ngoài điểm thi vào lớp 10 trường Chuyên |
“Thi đại học không đỗ trường này, các con có thể vào trường khác. Nhưng không vào được lớp 10, con biết học ở đâu. Vợ chồng tôi cũng làm nông thôi, nên không dám nghĩ tới chuyện cho cháu theo học trường tư thục”, ông Tuấn giãi bày.
Xác định cuộc đua vào lớp 10 công lập tại Hà Nội chưa bao giờ “hạ nhiệt”, nên ngay từ lớp 6, gia đình bà Đoàn Thị Khu (Mê Linh, Hà Nội) đã tìm lớp ở trung tâm để cháu mình học thêm.
Bà Đoàn Thị Khu (ngồi ngoài cùng bên trái) cho biết, |
“Ngoài ra, mỗi tuần một buổi, bố mẹ cháu có thuê gia sư với dạy kèm để củng cố kiến thức con đã học trên lớp cũng như làm những bài tập khó. 3 tháng cuối lớp 9, tôi thấy cháu học ngày học đêm, lịch học cũng dày đặc thêm nhiều…”, bà Khu cho hay.
Bà Khu cũng thừa nhận, mấy tháng nay gia đình không nỡ để cháu động tay làm việc nhà vì sợ ảnh hưởng đến việc học của cháu, đồng thời cũng không nghĩ đến phương án nào khác ngoài việc cháu phải đỗ lớp 10 nên đầu tư hết vào cho cháu.
"Việc tôi có thể làm là cùng chia sẻ cùng bố mẹ cháu, tìm những nơi luyện thi tốt nhất. Bố mẹ nó bận thì về nhà chăm sóc cháu ăn uống và động viên cháu học bài", bà chia sẻ.
Chuyên gia "tiếp sức" cho sĩ tử trước kỳ tuyển sinh
Chia sẻ về những áp lực trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức - Trung tâm tâm lý trị liệu Nhân Hoa Việt nói: “Tất cả các kỳ thi chuyển cấp đều là 1 giai đoạn quan trọng, để đánh giá năng lực học tập và cũng là thử thách của mỗi em học sinh. Chưa kể ở các thành phố lớn, mật độ dân số đông khiến cho tỉ lệ đỗ vào các trường trở nên cạnh tranh hơn, đặc biệt thi chuyển cấp vào lớp 10 của các em bây giờ không khác gì thi vào đại học, cũng vì vậy mà áp lực của các em học sinh ngày càng lớn. Nếu không có một tinh thần bền bỉ và tư duy hợp lý, các em rất dễ gặp tình trạng stress”.
Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức đã gửi tới sĩ tử những lời khuyên bổ ích trước thềm của kỳ thi vào 10 |
Hiểu rõ được tâm lý của phụ huynh, nỗi lo, áp lực mà học trò đang phải đối mặt trước kỳ thi sắp tới, chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức đã chia sẻ một số lời khuyên cho học sinh để hạn chế tối đa những rủi rõ trước khi bước vào kì thi chuyển cấp.
Lên kế hoạch cụ thể cho việc ôn thi
Theo chuyên gia, tâm lý chung của nhà trường hay thầy cô giáo là giúp học sinh ôn tập tối đa kiến thức của các môn, nên càng gần ngày thi khối lượng kiến thức ôn tập càng nhiều. Đôi khi việc ôn tập quá nhiều dễ dẫn tới "loạn" kiến thức, chính các em cần tự lên kế hoạch ôn thi dựa theo năng lực và nhu cầu của bản thân, để phân phối thời gian ôn tập các môn sao cho hiệu quả.
Cân bằng thời gian học tập, vận động, nghỉ ngơi
Học tập là một quá trình dài, nên cần tạo sự cân bằng giữa việc học, vận động và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe.
Chuyên gia cho rằng, rất nhiều em do tập trung quá độ vào việc ôn thi, không cân đối thời gian thể dục và nghỉ ngơi, khiến cơ thể suy nhược làm giảm khả năng tập trung, dễ mệt mỏi, căng thẳng. Các em nên dành thời gian thể dục từ 30-60 phút/1 ngày, nghỉ ngơi 7-8 tiếng/1 ngày (kể cả trong giai đoạn ôn thi).
Tâm sự, chia sẻ với bạn bè, người thân
Một trong những nhu cầu không thể thiếu của con người là giao tiếp tình cảm. Thời gian ôn thi tuy là giai đoạn cần tập trung cao, nhưng vì thế não bộ rất dễ quá tải, việc tâm sự với bạn bè hay người thân sẽ giúp các em được giải tỏa cảm xúc lo lắng, muộn phiền.
Thư giãn theo sở thích riêng
Mỗi người đều có những sở thích riêng biệt, khi được làm những điều mình thích bất cứ ai cũng thấy hạnh phúc.
Chuyên gia tâm lý khuyên rằng, các em có thể chủ động sắp xếp thời gian thư giãn hàng ngày theo sở thích cá nhân một cách tích cực (không tốn nhiều thời gian, không khiến cơ thể mệt mỏi, không gây ảnh hưởng tới việc khác) như vẽ tranh, hát, nhảy, trồng cây, chơi với thú cưng, đọc sách, nghe nhạc...
Cuối cùng, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, để giảm tải áp lực mùa thi, các sĩ tử nên phân bổ thời gian học tập hợp lý, không nên thức ôn bài quá khuya, ngủ không đủ giấc khiến đầu óc thiếu tập trung, học tập kém hiệu quả. Đồng thời, nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng để có sức khỏe tốt, sẵn sàng “vượt vũ môn”.
Để đảm bảo kỳ thi vào lớp 10 diễn ra thành công, các đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang thường xuyên tiến hành kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất của 100% điểm thi. Đồng thời, huy động hơn 600 thanh tra, làm nhiệm vụ thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Các đoàn thanh tra của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thực hiện thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông, bao gồm: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển thẳng, công nhận trúng tuyển. Trong đó, ở khâu coi thi, Sở thành lập đoàn thanh tra công tác coi thi, số lượng cán bộ tối thiểu của tổ thanh tra tại một điểm thi được bố trí theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi có 2 thanh tra; từ 20 đến 30 phòng thi có 3 thanh tra; từ 31 đến 40 phòng thi có 4 thanh tra; từ 41 phòng thi trở lên có 5 thanh tra. Đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau, số lượng thành viên của 1 tổ thanh tra tại 1 điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT, Trưởng đoàn thanh tra thống nhất quyết định. |