Loại thực phẩm tưởng bổ nhưng dễ hóa độc
Kinh doanh nhà hàng với bài toán an toàn thực phẩm Nhức nhối tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực trường học Những ngày nắng như “đổ lửa”, làm sao để giữ thực phẩm tươi ngon? |
Nhập viện vì ăn nấm
Tuần trước, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị tích cực cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu.
6 bệnh nhân cùng trú tại xã Cư KBang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Khi nhập viện, có 3/5 bệnh nhân người lớn có tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được. Các bệnh nhân còn lại có các biểu hiện nhẹ hơn, tiếp xúc tỉnh, nói chuyện được nhưng yếu tay chân.
Theo các bệnh nhân thì từ trước tới giờ chưa ai từng ăn loại nấm này nhưng do mấy ngày gần đây loại nấm này mọc nhiều, mọi người rộ lên thông tin nấm này mọc từ ấu trùng ve sầu, bổ dưỡng như các loại đông trùng hạ thảo nên đào bán và nấu ăn, không nghĩ là sẽ bị ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khỏe như vậy.
Theo BSCKI Nguyễn Thiên Phúc, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, năm 2022, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận một nhóm bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu nhưng do họ mua từ ngoài bắc vào.
Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị bệnh nhân ngộ độc nấm mọc từ xác nhộng ve sầu |
Các độc chất trong nấm có nhiều loại, thường là gây kích ứng đường tiêu hóa, hủy hoại tế bào gan, thận, làm tê liệt thần kinh. Đặc biệt, với những người khi uống rượu kèm ăn nấm thì nguy cơ ngộ độc rượu tăng lên vì sự tích tụ quá cao của lượng aldehyd trong máu, gây cảm giác nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đánh trống ngực và khó thở, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Ngày 6/6, vừa qua, theo thông tin từ UBND xã Thiệu Vân, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc rượu làm 7 người phải nhập viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, 1 người bị co giật nên được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị, 6 người ở lại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa để lọc máu, điều trị.
Theo đại diện lãnh đạo xã Thiệu Vân, sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã tìm hiểu và được biết, loại rượu các nạn nhân đã uống là rượu ngâm với nấm.
Thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người. Thống kê cho thấy 95% ngộ độc nấm là do nhầm lẫn và 5% do chủ quan của người ăn nhầm nấm bị biến chất, hư hỏng trong quá trình bảo quản. Sự nguy hiểm của nấm độc còn tùy thuộc nhiều vào thổ nhưỡng, điều kiện phát triển, nồng độ độc tố hiện diện trong nấm và loài nấm. Đun, nấu, đông lạnh hoặc chế biến đều không làm giảm độc tính của nấm. Trẻ em, người già yếu, suy nhược thường dễ bị ngộ độc hơn những người trẻ khỏe mạnh. |
Chuyên gia nói gì?
Theo bác sĩ Phúc, khi ve sầu đẻ trứng vào trong đất sẽ phát triển thành ấu trùng (hay còn gọi là nhộng ve sầu). Nhộng ve sầu nằm trong đất, có thể ở bên cạnh các bào tử nấm. Những loài nấm này tấn công và sống ký sinh trên nhộng ve sầu, chúng sẽ thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài. Các loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài cơ thể vật chủ.
Tùy theo loại nấm ký sinh trên vật chủ là nấm có lợi cho sức khỏe con người hay nấm độc, chúng có thể là thức ăn bổ dưỡng (bài thuốc đông y) hoặc gây độc cho con người. Ngộ độc nhẹ có thể gây ra tình trạng nôn ói, đi cầu lỏng, nặng hơn có thể gây tổn gan, thận, thần kinh gây hôn mê và nặng nhất có thể gây tử vong. Việc người dân lầm tưởng nấm mọc từ ấu trùng ve sầu là đông trùng hạ thảo có lợi cho sức khỏe nên sử dụng là việc làm hết sức nguy hiểm.
Nấm là loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng phải được ăn đúng cách để tránh bị ngộ độc |
Để phòng, chống ngộ độc từ nấm và đặc biệt là nấm mọc từ ấu trùng ve sầu, bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân không nên tự ý ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc, các loại nấm có màu sắc sặc sỡ, không nên nhầm lẫn nấm mọc từ ấu trùng ve sầu là thức ăn bổ dưỡng đông trùng hạ thảo. Muốn sử dụng đông trùng hạ thảo, cần phải mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng.
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Cao Khánh Linh, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bà Rịa khuyến cáo cho biết hiện nay đã bắt đầu vào mùa mưa nên xuất hiện nhiều loại nấm mọc khắp nơi. Người dân không nên tự ý ăn các loại nấm mà bản thân không phân biệt được là nấm độc hay nấm có thể ăn được. Sau khi ăn nấm nếu có cảm giác đau bụng, nôn ói, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách.
Theo PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, vi khuẩn phát triển nhanh ở nhiệt độ từ 5°C đến 60°C. Nấm đã nấu chỉ nên được giữ ở nhiệt độ phòng trong khoảng thời gian dưới 2 giờ. Nếu muốn giữ lâu hơn, cần bảo quản với vật chứa kín trong tủ lạnh.
Được bảo quản đúng cách, có thể sử dụng nấm đã nấu đến 3 - 5 ngày trong tủ lạnh.
Không chỉ đối với nấm các thực phẩm đã qua chế biến khác cũng chỉ nên dùng trong 2 giờ sau khi chế biến nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng. Để giữ thực phẩm lâu hơn, cần giữ trong ngăn mát tủ lạnh hoặc giữ đông.