Lễ hội Vật cầu nước ở Bắc Giang được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 12/5, UBND huyện Việt Yên, Bắc Giang đã long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội truyền thống Vật cầu nước làng Vân.
Dự buổi lễ công bố có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện của tỉnh Bắc Giang cùng đông đảo người dân, du khách thập phương.
Lễ hội Vật cầu nước làng Vân được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo huyện Việt Yên nhấn mạnh giá trị lịch sử của lễ hội Vật cầu nước làng Vân.
Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nét độc đáo đó mà ngày 12/1/2022, lễ hội Vật cầu nước làng Vân, xã Vân Hà, huyện Việt Yên được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nông Quốc Thành trao chứng nhận lễ hội Vật cầu nước làng Vân được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cán bộ và nhân dân thôn Yên Viên, xã Vân Hà và huyện Việt Yên.
Việc vinh danh di sản góp phần thiết thực trong việc tuyên truyền, quảng bá, huy động có hiệu quả các nguồn lực trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa |
Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vân Hà và khẳng định việc vinh danh di sản còn góp phần thiết thực trong việc tuyên truyền, quảng bá, huy động có hiệu quả các nguồn lực trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Ngay sau buổi lễ công bố đã diễn ra trận cầu đầu tiên. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/5.
Hội Vật cầu nước mang ý nghĩa là hội mừng chiến thắng, đồng thời thể hiện khát vọng của cư dân trồng lúa nước là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu |
Ngoài vật cầu nước, trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra một số hoạt động như: Giao lưu hát quan họ, các trò chơi dân gian, trưng bày các sản phẩm làng nghề gắn với tuyên truyền, quảng bá du lịch và sản phẩm du lịch của địa phương.
Tục truyền rằng, trước đây, Thánh Tam giang là Trương Hống, Trương Hát phò vua Triệu Quang Phục đánh giặc Lương (thế kỷ thứ VI), khi đánh thắng quân Lương ở đầm Dạ Trạch thì bị quỷ đen ở đầm quấy phá, chúng xông ra chống lại quân nhà Thánh. Quỷ đen ra điều kiện rằng nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn. Còn nếu thua, chúng sẽ quy phục hầu nhà Thánh. Chiến trận xảy ra, quỷ đen thua trận và quy phục Đức thánh Tam giang. Khi thắng trận, dân mở hội ăn mừng chiến thắng, trong đó có các quân cầu là biểu trưng cho trận chiến nêu trên, một đội là quân nhà Thánh, một đội là lũ quỷ nước. Hội Vật cầu nước mang ý nghĩa là hội mừng chiến thắng, đồng thời thể hiện khát vọng của cư dân trồng lúa nước là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Theo luật chơi, 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm hai giáp (mỗi giáp 8 người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Hội vật cầu nước được tổ chức trên sân có diện tích khoảng 200 m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. Ngày 12 đánh hai cầu (tỷ số hòa), ngày 13 đánh ba cầu (tỷ số 2-1) và ngày 14 đánh bốn cầu (tỷ số hòa). |