Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Thông tin về Xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa
Tạo sự đồng thuận xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung
Trong buổi giao ban công tác báo chí tháng 9/2022, đồng chí Phan Tuệ Minh - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch cho biết: Xây dựng nhà máy xử lý rác là chủ trương chung của các nước trên thế giới. Hiện nay ở Việt Nam đã và đang triển khai. Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch được tỉnh Vĩnh Phúc đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đảng bộ huyện Lập Thạch lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Toàn cảnh giao ban báo chí tháng 9. |
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch do Công ty Cổ phần đầu tư ITC Hà Nội làm chủ đầu tư phù hợp với các Quy hoạch, cụ thể: Vị trí thực hiện dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 14/10/2016 và quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Vĩnh Phúc được phê duyệt tại Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11/3/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận địa điểm tại văn bản số 4392/UBND-CN3 ngày 14/6/2019, điều chỉnh tại các văn bản số 8155/UBND CN3 ngày 28/10/2020 và số 5379/UBND-CN3 ngày 06/7/2021; Phê duyệt Chủ truong đầu tư tại Quyết định số 3238/QĐ-UBND ngày 22/12/2020; Phê duyệt đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3258/QĐ-UBND ngày 30/11/2021; Phê duyệt đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3269/QĐ-UBND ngày 01/12/2021.
Đồng chí Phan Tuệ Minh - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch phát biểu thông tin tại buổi giao ban |
Khi triển khai dự án, địa điểm thực hiện đã được lấy ý kiến thống nhất của UBND huyện Lập Thạch; Đảng ủy – HĐND – UBND xã Xuân Hòa; Mặt trận tổ quốc xã Xuân Hòa... tại biên bản lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan, ngày 22/9/2020. Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đã được lấy ý kiến tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.
Việc giao đất để thực hiện dự án sau khi đã thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 18/11/2021 của UBND tỉnh với tổng diện tích 66.857,0m2 (trong đó diện tích xây dựng Nhà máy là 60.000,0m, diện tích làm đường giao thông vào Nhà máy là 6.857m). Xung quanh khu vực giao đất xây dựng Nhà máy có một số hộ dân đang sinh sống gần nhất, cụ thể: Hộ ông Nguyễn Văn Huân (Hương) cách 204,9m; Hộ ông Đặng Ngọc Dương (Duyên) cách 287m; Hộ ông Ngô Văn Năng (Minh) cách 218,8m; Hộ ông Nguyễn Văn Tuyên (Long) cách 264,5 m.
Nhà máy xử lý rác thải được áp dụng công nghệ tiên tiến của Châu Âu và Nhật Bản
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung xã Xuân Hòa với công suất thiết kế là 270 tấn/ngày/đêm. Trong đó giai đoạn 1 xử lý 180 tấn/ngày/đêm, trong khi đó lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện hiện nay phát sinh khoảng 110 tấn/ngày. Dự án quy mô vùng, huyện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Lập Thạch.
Phối cảnh Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch |
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, Sở Tài nguyên đã thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, tổ chức họp lấy ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng và yêu cầu đơn vị tư vấn, chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đảm bảo theo quy định và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3269/QĐ-UBND ngày 01/12/2021.
Công nghệ xử lý rác thải được áp dụng công nghệ tiên tiến của Châu Âu và Nhật Bản để xử lý, tái chế chất thải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường tại Việt Nam, sử dụng các dây chuyền công nghệ bán tự động và tự động từ công đoạn tiếp nhận chất thải, phân loại, xử lý, tái chế. Máy móc, trang thiết bị được nhập khẩu như Nhật Bản, Châu Âu (EU)...
Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần ITC Hà Nội, nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư các công trình, dự án bảo vệ môi trường được tỉnh lựa chọn, phê duyệt dự án.
Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất đã được huyện Lập Thạch hoàn thành với tổng diện tích 66.857m2 (trong đó diện tích xây dựng Nhà máy là 60.000m2, diện tích làm đường giao thông vào nhà máy là 6.857 m2). Dự kiến dự án sẽ hoạt động trong 20 năm.
Để dự án sớm hoàn thành và đi vào sử dụng, trong thời gian tới huyện Lập Thạch và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân, để người dân hiểu được tầm quan trọng của dự án.