Lập dự toán thu tiền sử dụng đất không sát với khả năng nguồn thu, gây ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trung hạn

Dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019, song thực hiện thu tiền sử dụng đất năm 2020 vẫn vượt dự toán 80,4%. Việc thu vượt dự toán lớn đã diễn ra nhiều năm...
SABECO chung tay mang đến giá trị tích cực cho xã hội Nhóm công ty của Tân Hoàng Minh bị hủy trái phiếu nợ thuế hàng trăm tỷ đồng Tập đoàn FLC sẽ họp cổ đông bất thường bầu bổ sung lãnh đạo vào ngày 10/6

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, chiều 23/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước báo cáo về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại kỳ họp

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Dự toán thu NSNN năm 2020 là 1.539.052,8 tỷ đồng; Quyết toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, giảm 1,9% (28.473,6 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương giảm 92.076,6 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng 63.603 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2020, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách với tổng số là 16.307 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã thực hiện gia hạn thuế cho 187.367 người nộp thuế trong một số lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19 với số tiền là 97.259 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quyết toán chi NSNN năm 2020, theo dự toán là 1.773.766,2 tỷ đồng, song quyết toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán.

Với kết quả quyết toán năm 2020 như trên, tổng thu NSNN 5 năm 2016-2020 đạt 6,918 triệu tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch; Tỷ lệ huy động đạt 25,3% GDP (mục tiêu là 23,5% GDP); Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu NSNN (mục tiêu là 84-85%).

Lập dự toán thu tiền sử dụng đất không sát với khả năng nguồn thu, gây ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trung hạn
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo tại kỳ họp

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019, mặc dù Trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu sử dụng đất năm 2020 vẫn vượt dự toán 80,4%, việc thu vượt dự toán lớn đã diễn ra nhiều năm.

Cùng với đó, việc lập, gửi Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 của Bộ Tài chính, của Chính phủ còn chậm so với quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 70 Luật Ngân sách Nhà nước.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập, chấp hành dự toán, thẩm định quyết toán NSNN năm như: Thu ngân sách Trung ương không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu NSNN; Huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP; Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.

“Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế nêu trên, đặc biệt đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hằng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này”, báo cáo nêu.

Lập dự toán thu tiền sử dụng đất không sát với khả năng nguồn thu, gây ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trung hạn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà trình bày báo cáo thẩm tra

Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện 70,8% số kiến nghị liên quan đến tài chính năm 2019, cao hơn so với năm trước đó (đạt 68,3%), song mới chỉ xử lý thêm được 12,5% số kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến xử lý tài chính đối với niên độ ngân sách Nhà nước năm 2018 trở về trước chưa thực hiện; Bẫn còn 70/103 kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đang triển khai thực hiện.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trong đó làm rõ các kiến nghị không có khả năng thực hiện do các đơn vị được kiểm toán không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động… Đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét, có ý kiến phản hồi chính thức đối với các kiến nghị chưa thống nhất, đang trong quá trình giải trình để xử lý dứt điểm”, báo cáo nêu.

Hạnh Nguyên
Phiên bản di động