Kỳ vọng gì ở chương trình trải nghiệm “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí”?
Quyết tâm “biến” di sản thành tài sản
Tối 31/1, tại Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm – Hà Nội), Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội đã ra mắt chương trình trải nghiệm “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí”.
Tham dự chương trình có PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng và lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cùng nhiều chuyên gia văn hóa, du lịch, đơn vị lữ hành, đông đảo du khách.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cùng các đại biểu tham dự chương trình. |
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt chương trình trải nghiệm, Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội cho hay, “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí” là chương trình nhằm thực hiện Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành Uỷ Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Ngọc Sơn và khu vực Hồ Hoàn Kiếm là viên ngọc sáng lấp lánh giữa lòng Thủ đô, là biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần hiếu học, tinh thần thượng võ, ý chí quật cường bảo vệ Tổ quốc, là biểu trưng cho đạo trung trinh, mẫn cán của người dân Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội phát biểu. |
“Từ nghị quyết 09 của Thành Uỷ, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội nhận thức được rằng, di sản dù giá trị đến mấy, vẫn mới chỉ là “tài nguyên”. Muốn tạo nên sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch, phát huy tối đa giá trị di sản thì cần biến giá trị di sản đó thành sản phẩm văn hoá, từ đó góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng môi trường xã hội Việt Nam lành mạnh, xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện đại, có văn hoá. Để hiện thực hoá nhận thức đó, Ban Quản lý Di tích danh thắng đã xây dựng chương trình trải nghiệm “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí”- TS Nguyễn Doãn Văn nói.
Chương trình là sự kết hợp giữa kiến trúc cổ kính của di tích quốc gia đặc biệt đèn Ngọc Sơn và các nghi lễ, truyền thuyết dân gian được lưu truyền tại di tích. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, âm thanh, ánh sáng, công nghệ trình chiếu 3D mapping hiện đại, chương trình truyền tải đến du khách những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam theo một cách mới mẻ`nhất.
Một sản phẩm du lịch độc đáo
Chương trình được xây dựng trên các dữ liệu lịch sử có thật và các huyền thoại đã lưu truyền và tiếp nối qua hàng thế kỷ tại Đền Ngọc Sơn.
“Ngọc Sơn – đêm huyền bí” được chia làm năm chủ đề chính, tương ứng với các khu vực kiến trúc riêng biệt của di tích Đền Ngọc Sơn. Bao gồm: Lễ ban chữ thánh hiền – tại khu vực Tháp Bút; Nghi thức Đón linh khí của trời đất – tại khu vực cầu Thê Húc và Đắc Nguyệt Lâu; Truyền thuyết Lê Lợi trả gươm diễn ra tại khu vực mặt hồ phía trước Đình Trấn Ba; Nghi lễ cầu An diễn ra trong khu vực đền chính; Tham quan phòng trưng bày tiêu bản Rùa Hồ Gươm và vãn cảnh đền.
Các đại biểu cắt băng ra mắt chương trình trải nghiệm "Ngọc Sơn - Đêm huyền bí" |
TS Nguyễn Doãn Văn cho biết, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội đã rất kỳ công và kỹ lưỡng tạo dựng nên một không gian độc đáo có một không hai để phục vụ khán giả cùng du khách trong nước và quốc tế. Một đội ngũ các chuyên gia và nghệ sĩ có uy tín đã tham gia sáng tạo và dàn dựng chương trình dưới sự tư vấn và chỉ đạo của GS. Lê Văn Lan, TS. Nguyễn Doãn Văn, đạo diễn Lê Quý Dương và NSUT Đặng Tố Như, cùng nhiều lãnh đạo và giới chuyên môn của thành phố Hà Nội.
Tham gia vào hành trình trải nghiệm, du khách sẽ đi từ Tháp Bút, dọc theo đường Trường Lắng, tham quan những hình ảnh và thông tin chi tiết giới thiệu lịch sử của ngôi đền thiêng.
Ánh sáng lung linh tại Tháp Bút |
Qua màn sương khói huyền ảo của cổng Đài nghiên, khán giả và du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh Đền Ngọc Sơn với cây cầu Thê Húc tươi đỏ, nơi đón nắng bạn mai mỗi ngày, là nhân chứng lịch sử không thể thiếu được theo dòng chảy thời gian. Tại đây, ca khúc Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi vang lên và đưa người tham dự chương trình vào cảm xúc sục sôi và hào hùng gắn với những hồi ức không thể nào quên về Hà Nội những năm kháng chiến.
Giai điệu "Người Hà Nội"" hào hùng vang lên, hòa quyện trong sắc màu rực rỡ của cầu Thê Húc |
Tiếp đến, cầu Thê Húc dẫn bước đại biểu và du khách đến với Đắc Nguyệt Lâu, lầu được trăng. Ánh trăng vàng rực rỡ hiện lên qua nghệ thuật trình chiếu, trong tiếng ca trù văng vẳng kể câu chuyện sự tích Hồ Gươm qua tiếng hát của NNND Quách Thị Hồ.
Sự hòa quyện giữa âm thanh, ánh sáng, công nghệ trình chiếu và câu chuyện lịch sử đã làm nên nét đặc sắc của chương trình |
Tác giả kịch bản, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ, phải mất tới 2 tháng để ê kíp thực hiện và hoàn thiện sản phẩm này. “Cái khó của ê kíp đó là làm sao để tìm ra được ngôn ngữ đạo diễn và cách xử lý không gian cho hợp lý nhất. Bởi lẽ, không như những quảng trường hay không gian khác, với di tích Đền Ngọc Sơn, chúng tôi phải nâng niu, không được xâm phạm và tổn hại đến di tích. Cuối cùng, tôi quyết định theo hướng, khán giả sẽ là một dòng chảy, chảy qua các điểm như Tháp Bút, cầu Thê Húc, Đắc Nguyệt Lâu... để tạo nên một hành trình trải nghiệm hấp dẫn, thú vị”.
Tái hiện truyền thuyết Lê Lợi trả gươm diễn ra tại khu vực mặt hồ phía trước Đình Trấn Ba |
Tham gia vào hành trình trải nghiệm, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đánh giá: “Đây là một chương trình rất tuyệt vời, không chỉ nói chuyện huyền thoại mà đưa con người ta về cuộc sống thực. Từ âm thanh, ánh sáng, tiết tấu của chương trình đều rất hay dù rất ngắn gọn. Tháp bút, huyền thoại Hồ Gươm rất hay, tiêu bản 2 cụ Rùa – tất cả đều lung linh, huyền ảo, vừa thực vừa mơ. Tôi tin rằng, du khách trong nước sẽ rất thích thú khi được trải nghiệm”.
Các đại biểu tham gia trải nghiêm vào hành trình |
Và xem tiêu bản cụ Rùa |
Xem trình diễn nghi thức dân gian trong Đền Ngọc Sơn |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Hà Nội đã có một “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, có “Đêm Thiêng liêng” ở nhà tù Hỏa Lò, “”Tinh hoa đạo học” ở Văn Miếu. Điều này cho thấy sức sáng tạo của Hà Nội, tiềm năng văn hóa rất lớn của Thủ đô. Nếu chúng ta biết khai thác thì những sản phẩm như thế sẽ đóng góp nhiều giá trị cho phát triển công nghiệp văn hóa. “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí” là một sản phẩm độc đáo và là minh chứng, hình mẫu về khai thác giá trị di tích, văn hóa của Thủ đô. Tất nhiên, là một sản phẩm mới, muốn có sự hoàn thiện hơn nữa thì cần có sự khảo sát về nhu cầu của khán giả. Dù vậy, “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí” ra mắt đã cho thấy, Hà Nội đang đảm trách vai trò dẫn đầu và lan tỏa quyết tâm phát triển công nghiệp văn hóa, coi văn hóa là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển. Chúng ta kỳ vọng những sản phẩm công nghiệp văn hoá này sẽ giúp Thành phố hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 09-NQ/TU đã đề ra. |
Tour đêm Hà Nội thêm sắc màu cho hành trình khám phá của giới trẻ |
Trải nghiệm về đêm đầy thú vị cho du khách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Văn Miếu - Quốc Tử Giám sắp ra mắt tour trải nghiệm về đêm |