Ký ức hào hùng của người thuỷ thủ trên “đoàn tàu không số”

Ông Nguyễn Đình Quốc (83 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) nhập ngũ tháng 2/1964 và trở thành thuyền phó đoàn tàu không số. Ông bị địch bắt vào tháng 11/1970 tại Bến Tre, sau đó bị đưa vào nhà lao Phú Quốc giam giữ 2 năm 4 tháng. Câu chuyện của ông khiến người nghe “nhìn thấy” sự hào hùng, bi tráng của cuộc chiến vệ quốc.
Đà Nẵng: Trao trả tài sản cho nam thủy thủ tàu sân bay Mỹ bỏ quên trên xe taxi

Vững tin giữa trùng khơi

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để trực tiếp chi viện vũ khí, hàng hóa và nhân lực cho cách mạng miền Nam, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông.

Đó là lý do ra đời đoàn “tàu không số” huyền thoại. Đây cũng là biểu tượng mãnh liệt về lòng dũng cảm, mưu trí, về ý chí cách mạng của những người lính hải quân trên con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Có mặt trên “tàu không số” từ năm 1964, cựu binh Nguyễn Đình Quốc đã nếm trải tất cả gian truân, nguy hiểm trong hành trình chi viện cho miền Nam ruột thịt. Thậm chí, ông và đồng đội đã phải phá huỷ tàu sau cuộc giao tranh ác liệt với kẻ thù nhằm đảm bảo an toàn, bí mật cho nhiệm vụ được giao phó.

Ký ức hào hùng của người thuỷ thủ trên “đoàn tàu không số”
Cựu binh Nguyễn Đình Quốc kể lại hành trình trên chuyến “tàu không số”

Cuộc đời binh nghiệp của ông Quốc khá đặc biệt. Quê quán tại Nam Định, ông Quốc nhập ngũ lúc 23 tuổi, khi đó đã là đảng viên, cán bộ của Tỉnh đoàn; đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Tháng 2/1962, ông được gọi nhập ngũ, huấn luyện tân binh ở Đồ Sơn.

“Bước vào quân ngũ, tôi và khoảng 100 đồng chí khác được huấn luyện riêng. Thời điểm ấy, chúng tôi cũng không biết cụ thể nhiệm vụ của mình là gì. Đến tháng 7/1964, chúng tôi được đưa ra tàu huấn luyện, thì mới rõ nhiệm vụ. Bản thân tôi trước đó chưa có bất cứ kinh nghiệm gì với việc lái tàu nhưng với tư cách đảng viên, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ”, ông Quốc nhớ lại.

Trong ký ức của ông Quốc, nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên “tàu không số” ngày ấy là tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa. Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức “Lễ truy điệu sống” trước khi khởi hành phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật.

Ông Quốc trong lễ họp mặt 62 năm ngày  mở đường Hồ Chí Minh trên biển
Ông Quốc trong lễ họp mặt 62 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển

“Tàu không số” cũng chọn những lúc thời tiết xấu nhất để khởi hành, càng là giông tố, bão bùng, càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật. Bởi vậy, mỗi lần “tàu không số” xuất phát là mỗi lần thử thách ý chí và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Ông Quốc kể: “Tháng 9/1964, nhằm lúc biển động dữ dội, tôi lần đầu tiên xuất phát trên “tàu không số”. Chúng tôi bắt đầu đi từ vịnh Hạ Long ra Bái Tử Long, sang Trung Quốc, xuyên qua biển Đông rồi ra hải phận quốc tế. Tàu chạy suốt ngày suốt đêm, tốc độ khoảng 19 hải lý, tức khoảng 9km/giờ. Sau đó, tàu xác định vị trí tiến vào Côn Đảo, từ đó, đi tới các tỉnh phía Nam”.

Thường mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 5 - 6 ngày. Thủy thủ thay nhau lái tàu, thay nhau nấu cơm, nhiều khi không có nước để tắm. Cũng có nhiều lính trẻ không chịu được sóng nên cứ ăn vào lại nôn ra, mặt mày tái nhợt…

“Chính những ngày tháng khó khăn, vất vả ấy lại là lúc có thể cảm nhận rõ nhất tình cảm chân thành, thắm thiết giữa những người chiến sĩ. Những khi ấy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả nhưng chỉ cần nghĩ về quê hương miền Bắc còn đói khổ, miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh và giữ vững niềm tin rằng, mỗi chuyến hàng thành công sẽ góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc là chúng tôi lại có động lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”, ông Quốc bồi hồi cho biết.

Cuộc giao tranh ác liệt trên biển

Từ tháng 9/1964 tới 11/1970, cựu binh Nguyễn Đình Quốc cùng đồng đội đã thực hiện thành công nhiều chuyến tàu chi viện cho tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau. Không chỉ vận chuyển vũ khí, họ còn đưa khoảng 70 “khách”, tức là sĩ quan cấp chiến lược từ Bắc vào Nam.

Thực tế, không phải chuyến đi nào cũng dễ dàng và thành công. Theo tư liệu, không ít chuyến “tàu không số” đã đụng độ với kẻ địch, tàu bị phá hủy, chiến sĩ anh dũng hi sinh. Tháng 11/1970, con tàu do ông Quốc và đồng đội điều khiển cũng lâm vào cuộc chiến gay go và chỉ có may mắn mới giúp ông Quốc không bỏ thân trên biển.

Ký ức hào hùng của người thuỷ thủ trên “đoàn tàu không số”
Hình ảnh huyền thoại của những con “tàu không số”

Trong trí nhớ của ông Quốc vẫn in rõ chi tiết về cuộc hành trình định mệnh hồi tháng 11/1970. Khi ấy, tàu ngụy trang thành tàu đánh cá rất kín kẽ song quân địch vẫn nghi ngờ bám theo. Trên trời là máy bay trực thăng giám sát, dưới biển là tàu nguỵ chạy song song. Qua khỏi hải phận quốc tế, tiến vào Côn Đảo, kẻ địch càng áp sát.

Ông Quốc kể: “Chuyến tàu đó, chúng tôi mang theo lượng lớn vũ khí để chi viện cho tỉnh Bến Tre. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của chuyến hàng, anh em trên tàu quyết tâm chạy vào bờ, bất chấp sự uy hiếp của địch. Đến khi tàu cách bờ biển khoảng 10 hải lý, địch bất ngờ nổ súng. Chúng không dám sử dụng hỏa lực mạnh vì lo sợ “hàng nóng” trên tàu của ta. Vì thế, chúng tôi vừa bắn trả vừa cho tàu chạy hết tốc lực về phía Bến Tre. Quân giặc nhả đạn như mưa, anh em đồng đội trên tàu đã hy sinh mấy người…”.

Cuộc giao tranh căng thẳng diễn ra trong khoảng 15 phút. Bên ta đã bắn cháy một trong các tàu của địch. Tàu của ta cũng bị bắn hỏng máy. Trước lực lượng áp đảo, nhằm giữ bí mật đến cùng, ông Quốc và đồng đội quyết định huỷ tàu. Những chiến sĩ còn lại nhảy xuống biển, liều lĩnh bơi vào bờ.

Một lòng theo Đảng

Sau chuyến tàu tháng 11/1970 đó, ông Nguyễn Đình Quốc bị giặc bắt. Chúng đưa ông về Sài Gòn, sử dụng mọi ngón đòn thâm hiểm để moi thông tin nhưng thất bại. Người chiến sĩ kiên trung không hé răng nửa lời khiến bọn giặc đành bó tay. Chúng kết án và đưa ông ra giam giữ tại nhà tù Phú Quốc. Sau 2 năm 4 tháng chịu cảnh tù đày tại “địa ngục trần gian”, ông được trao trả tự do.

Cựu binh Nguyễn Đình Quốc kể lại hành trình trên chuyến “tàu không số”

Trở về địa phương, ông Quốc tiếp tục công tác tại Tỉnh đoàn Nam Định, sau đó, kinh qua nhiều vị trí công tác khác cho đến lúc nghỉ hưu.

Năm 2014, ông tham gia với những người đồng đội cũ tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Tại đây, trong vai trò “hướng dẫn viên”, ông Quốc cùng đồng đội truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ bằng câu chuyện chiến đấu, hi sinh của chính mình.

Người lính già tâm sự: “Năm 21 tuổi, tôi được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và được gặp Bác Hồ. Phong thái, tư tưởng của Người đã chiếu rọi cuộc đời tôi từ bấy đến nay. Trải qua chiến đấu gam go, hay tù đày đau đớn… bản thân tôi chưa bao giờ lung lay ý chí cách mạng. Đến nay, đã ngoài 80 tuổi, tôi thấy bản thân vẫn là người chiến sĩ vượt bão tố, bom đạn trên con “tàu không số”, vẫn một lòng một dạ theo Đảng”.

Vũ Cường
Phiên bản di động