Ký ức chiến thắng Điện Biên Phủ không phai suốt 65 năm
Ngày 25/4, tại Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 - 7/5/2019)" được tổ chức tại thành phố Điện Biên, Thượng tướng Lê Chiêm (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho biết, bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam đã huy động 5 đại đoàn chủ lực bao vây, tiến công địch. Tổng cộng, hơn 26 vạn dân công tham gia phục vụ.
"Bằng sức mạnh tổng hợp của các yếu tố cùng phương châm đánh chắc tiến chắc, quân và dân đã tiêu diệt và bắt hơn 16.000 người, trong đó có Tướng De Castries và Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm" - Tướng Chiêm nói.
Được hai quân nhân dìu lên bục phát biểu, cựu binh Nguyễn Hữu Chấp (Đại đội 290, Tiểu đoàn 166. Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312) xúc động cho biết 65 năm trôi qua song vẫn không thể quên được những ngày tháng cùng đồng đội "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt".
"Đó là những giây phút vào sinh ra tử, trải qua thử thách của chiến tranh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết nhưng chúng tôi không nao núng, khiếp sợ" - ông nói và cho hay khi đó mới 22 tuổi.
Cựu binh Nguyễn Hữu Chấp (Đại đội 290, Tiểu đoàn 166. Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312) tại Điện Biên ngày 25/4. Ảnh: Hoàng Thuỳ |
"Sau khi giúp các đơn vị pháo binh kéo pháo vào trận địa, toàn đại đoàn về trú quân ở dãy Tà Lèng. Qua gần 2 tháng chuẩn bị, mỗi chiến sĩ đều mong mỏi được đánh trận mở màn nhưng chỉ Đại đoàn 312 chúng tôi được Bộ chỉ huy mặt trận chọn tấn công vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch" - vị cựu binh gần 90 tuổi nhớ lại.
Vẫn nhớ như ngày hôm qua lời chỉ huy dặn "quyết tâm đánh thắng trận đầu, không để trận đánh kéo dài sang ngày hôm sau", ông Chấp cùng đồng đội viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong ngày 13/3/1954. Đúng 0h, từ Tà Lèng, Đại đoàn 312 của ông hành quân, đến gần sáng thì đến cánh đồng quanh cứ điểm.
"Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, chúng tôi nghe loa của Pháp liên tục nói: Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời Tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ. Nhưng chúng tôi đâu có để ý vì tinh thần chiến đấu lên cao, ai cũng chờ giờ nổ súng" - người cựu binh nói.
Đúng 17h, pháo binh tập trung bắn vào Him Lam. Ngay từ loạt đầu, cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm đã bị hạ. Trong khi pháo đang bắn cấp tập, quân địch chưa kịp phản ứng thì bị các đơn vị xung kích đánh chiếm. Sau hơn một giờ chiến đấu, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đã tung bay trên cứ điểm 3. Đến 22h30', cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ông Chấp và đồng đội. 23h30, Đại đoàn 312 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, tiêu diệt 300 người, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.
"Chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, Đại đoàn chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ được trung tâm đề kháng Him Lam, tạo sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội trên tất cả mặt trận" - vị cựu binh nói.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Không chỉ được tham gia trận mở màn Him Lam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Hoàng Đăng Vinh còn có mặt ở hầm Đờ Cát đúng thời khắc huy hoàng kết thúc thắng lợi chiến dịch. Khi đó, ông 20 tuổi, cùng đồng đội dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã xông vào hầm bắt sống tướng De Castries.
Theo vị cựu binh, chiều 7/5/1954, Đại đội 360 tiêu diệt được cứ điểm 507, sau đó cùng các đơn vị bạn tiến sang chiếm lĩnh các cứ điểm 509, 508. Trên đường tiến công, ông và đồng đội tên Nhỏ gặp một chiến sĩ bị mảnh đạn pháo cắt cụt cả hai ống chân, đang lết trên mặt đất nên ngồi thụp xuống, định băng bó giúp. "Nhưng khi đó anh hét lớn đằng nào tôi cũng chết, các anh tiến lên đi, thời cơ đến rồi. Tôi và Nhỏ đành gạt nước mắt, xốc súng tiếp tục băng lên phía trước" - ông Vinh kể.
Trung đội 1 của ông nhanh chóng tiến qua cầu sắt Mường Thanh, tiến đến hầm De Castries, bắt viên tướng này cùng toàn bộ sỹ quan Pháp phải ra hàng.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Lịch sử Quân sự khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
"Thắng lợi của chiến dịch đã giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève 1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia", tướng Nhiên nói.
17h30 ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Đợt 1, từ 13/3 đến 17/3, Việt Minh tấn công vào phân khu Bắc; sau 5 ngày đã làm chủ Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/3 đến 30/4, tiến công vào tập đoàn cứ điểm phía Đông, gồm các ngọn đồi C1, E, D, A1. Thừa thắng xông lên, quân đội Việt Nam mở đợt tấn công lần 3, từ ngày 1/5 đến 7/5, đánh chiếm các cứ điểm còn lại. Riêng đồi A1, bộ đội tiến hành 4 đợt tiến công nhưng chỉ chiếm được nửa quả đồi. Đêm 6/5, quân đội Việt Nam phải dùng thuốc nổ bí mật phá sập hệ thống hầm ngầm, chiếm được quả đồi. 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Tướng De Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Sau này De Castries - người từng theo học Trường Quân sự Saint Cyr nổi tiếng thế giới - đã thốt lên rằng: "Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào" |