Kỳ 2: Lạm dụng thực phẩm chức năng "lợi bất cấp hại"

Sau một thời gian sử dụng cùng lúc các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng chữa hậu COVID-19 với tâm lý “không bổ dọc cũng bổ ngang”, nhiều người còn gặp tình trạng mệt mỏi và tiêu chảy.
“Ma trận” thuốc bổ hậu COVID-19 Đột phá mới trong chẩn đoán và điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa Bệnh viện Đông Đô nhận chuyển giao công nghệ Femto LDV Z8, ra mắt Quỹ từ thiện Free your eyes

Tỉnh táo trước lời quảng cáo “thần thánh” thuốc bổ hậu COVID-19

Do tâm lý lo lắng, mong muốn khỏi bệnh nhanh và suy nghĩ chủ quan “thuốc bổ không thể có hại được”, “đang ốm cứ uống thuốc bổ, không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác”, nên nhiều bệnh nhân COVID-19 và người nhà có xu hướng muốn tăng cường sức đề kháng bằng các loại thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng.

Không chỉ bệnh nhân COVID-19, mà nhiều người là F1 hoặc vừa khỏi COVID-19 cũng có tâm lý “sính” thuốc bổ với suy nghĩ “uống càng nhiều càng khỏe”.

Thực tế, thực phẩm chức năng giống như “dao hai lưỡi”, nếu được bổ sung dư thừa sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, nhiều người sau khi âm tính với COVID-19 đã đi lùng những sản phẩm đông y phòng hậu COVID-19 như: Sâm Hàn Quốc, yến đảo, xuyên tâm liên…

Kỳ 2: Lạm dụng thực phẩm chức năng
Các loại thuốc được quảng cáo là chữa hậu COVID-19, bồi bổ cơ thể (Ảnh minh họa)

Chị Thu Hà (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Sau khi mắc COVID-19 và có kết quả âm tính, tôi rất lo lắng có thể mắc hậu COVID-19 ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Theo lời khuyên của những người đã bị mắc COVID-19 và đang duy trì uống các loại thực phẩm chức năng bồi bổ cơ thể, tôi đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua một liệu trình thải độc detox, thuốc bổ phổi nhưng khi nhận được hàng không có giấy tờ xác nhận nguồn gốc theo quy định; Bao bì chỉ toàn tiếng nước ngoài…

Tôi rất hoang mang và nhờ một bác sĩ chuyên khoa tư vấn nên thấy được nguy cơ từ các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Dù tiếc tiền nhưng tôi quyết định bỏ các loại thuốc đó để tránh những tác dụng không mong muốn đối với sức khỏe”.

Quan tâm đến sức khỏe bản thân, nhất là sau khi khỏi COVID-19 là việc mỗi người nên làm. Tuy nhiên, thay vì lo lắng, tìm mua các loại thuốc được quảng cáo là “điều trị hậu COVID-19” chưa có cơ sở khoa học, người dân nên chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế để có sự tư vấn phù hợp, đúng chuyên môn, qua đó vừa bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình, vừa không tiếp tay cho những đối tượng đang cố tình rao bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc để trục lợi.

Bác sĩ khuyến cáo không tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng

Di chứng của COVID-19 khiến nhiều F0 sau khi khỏi bệnh từ 2-3 tháng phải đi khám, thậm chí nhập viện cấp cứu vì hội chứng hậu COVID-19. Việc kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 là cần thiết, giúp đánh giá sớm những biến chứng và đưa ra biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu để giảm thiểu nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

Kỳ 2: Lạm dụng thực phẩm chức năng
Các loại thực phẩm chức năng, vitamin bán trên mạng đều không có nhãn mác phụ đề tiếng Việt vì là “hàng xách tay” từ nước ngoài về

PGS. TS. BS Hoàng Thị Phượng, giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Medlatec, cho biết: “Theo các nghiên cứu trên thế giới, chỉ có từ 10-20% người mắc COVID-19 có biểu hiện hội chứng hậu COVID-19. Hậu COVID-19 có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mắc bệnh và tồn tại kéo dài trên 12 tuần.

Tuy nhiên, giai đoạn hậu COVID-19 có thể do di chứng tổn thương của đa cơ quan nên hay gặp ở những bệnh nhân có nhiều triệu chứng sau khi khỏi bệnh như: Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, stress, mất mùi... Triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục từ đợt mắc COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Theo PGS. TS. BS Hoàng Thị Phượng tuy nhiều người gặp hội chứng hậu COVID-19 nhưng không có nghĩa là tất cả F0 đều đi khám hậu COVID-19 và sử dụng bừa bãi các loại thuốc điều trị hậu COVID-19. Như vậy sẽ rất lãng phí.

“Những người có triệu chứng của hậu COVID-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID-19”, PGS. TS. BS Hoàng Thị Phượng khuyến cáo.

Việc tự ý sử dụng các loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng không tham vấn ý kiến của bác sĩ có thể bỏ sót bệnh, làm bệnh diễn biến nặng hơn. Bệnh nhân không nên tự dùng thuốc tại nhà vì việc tự điều trị có thể gây nguy hiểm.

Nhiều trường hợp bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự chữa trị kết hợp giữa những loại thuốc khác nhau hoặc mua thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường sử dụng đến khi cơ thể mệt mỏi, vào viện thì tình trạng đã nghiêm trọng hơn.

Phục hồi chức năng phổi cũng như sức khỏe là rất cần thiết ở người sau điều trị COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Nhờ đó, hệ thống cơ, miễn dịch và năng lượng cho cơ thể sẽ được tái tạo lại. Khi có chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, protein, hạn chế đồ chế biến sẵn, người bệnh không cần uống thêm vitamin hay thuốc bổ.

Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh cũng có thể tập các bài tập, động tác thể dục nhẹ nhàng giúp giảm các triệu chứng khó thở, lo lắng và trầm cảm, cải thiện thể chất. Nhiều clip hướng dẫn kỹ thuật thở ra, mở lồng ngực và kiểm soát nhịp thở, thổi bóng... đã được Bộ Y tế cập nhật trên các kênh sức khỏe chính thống.

(Còn nữa)

TTTĐ
Phiên bản di động