Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,32% quý đầu năm 2023
Doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực 'xanh hóa' nền kinh tế Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội |
Theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sáng 29/3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 của Việt Nam ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định.
Tại khu vực công nghiệp và xây dựng, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh.
Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm. Đặc biệt, riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011 - 2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Điểm sáng là khu vực dịch vụ trong quý I/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng GRDP ở mức cao so với tốc độ tăng GDP như: Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình tăng 8,45%; Tuyên Quang tăng 8,42%; Bắc Giang tăng 8,40%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm: Bình Dương tăng 1,15%; TP HCM tăng 0,7%; Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.