Kinh tế Việt Nam: Nhiều thuận lợi, lắm thách thức

Thời gian tới, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, song cũng có không ít cơ hội để phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 4,46% trong quý I/2021 Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), năm 2020, đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ luồng đầu tư, đứt gãy chuỗi thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới buộc chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, hồi phục và phát triển kinh tế song song với khống chế và ngăn ngừa bệnh dịch.

Nhằm nhận định được những thời cơ cũng như thách thức, đánh giá sát với thực tế, tư vấn giúp Chính phủ ban hành những chính sách hợp lý, NCIF đã thực hiện khảo sát xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực có liên quan về bối cảnh và các kịch bản tăng trưởng trong trung hạn; đề xuất kiến nghị và giải pháp phù hợp giúp kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh và phát triển bền vững trong thời kỳ hậu Covid-19.

Qua khảo sát, NCIF xác định có nhiều yếu tố “thuận lợi” và khó khăn” đối với kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Kinh tế Việt Nam: Nhiều thuận lợi, lắm thách thức
Có nhiều yếu tố “thuận lợi” và khó khăn” đối với kinh tế Việt Nam thời gian tới. Ảnh minh họa

Trong đó, NCIF đưa ra một số yếu tố thuận lợi đối với kinh tế Việt Nam gồm: Tăng trưởng kinh tế thế giới dần hồi phục; dịch Covid-19 trên thế giới cơ bản được kiểm soát; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được củng cố; các biện pháp kích thích kinh tế phát huy tác dụng, doanh nghiệp dần thoát khỏi khó khăn; các thị trường xuất khẩu bắt đầu hồi phục; việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do; đặc biệt Việt Nam đang là điểm đến tin cậy/hấp dẫn của dòng vốn FDI.

Trong khi đó, đối với những yếu tố khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, NCIF cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới và các nền kinh tế đối tác quan trọng chưa thoát khỏi khó khăn; các chính sách kích thích kinh tế chưa mang lại hiệu quả; doanh nghiệp khó khăn để quay trở lại hoạt động; sức ép cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư quốc tế; và mô hình tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào tăng vốn và tín dụng.

Bên cạnh đó, theo NCIF còn có một số nhận định khác về những yếu tố khó khăn đối với kinh tế Việt Nam gồm: Môi trường kinh doanh dù có nhiều cải thiện song vẫn còn hạn chế, về thể chế, nhân lực, công nghệ; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa thấp, năng suất lao động thấp và chậm cải thiện.

Đặc biệt, theo NCIF, nếu dịch Covid-19 được khống chế ở Việt Nam nhưng tại các nước đối tác quan trọng của chúng ta lại chưa khống chế được nên còn một số khó khăn đối với xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, song về thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì có khả năng khởi sắc.

Trong nghiên cứu của mình, NCIF xác định một số ngành có khả năng trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa; dịch vụ du lịch và khách sạn và vận tải, kho bãi.

Theo nghiên cứu, ngành công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là ngành có khả năng phục hồi nhanh và đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới. Những vị trí tiếp theo dành cho bán buôn, bản lẻ, sửa chữa; ngành vận tải kho bãi.

Theo NCIF, để hồi phục nhanh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, Việt Nam cần tiếp tục các gói hỗ trợ kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; giúp khu vực tư nhân vực dậy sản xuất kinh doanh; tập trung khai thác thị trường trong nước và khai thác và phát triển thị trường bên ngoài.

Nghiên cứu cho thấy, việc giúp khu vực tư nhân vực dậy sản xuất kinh doanh được coi là giải pháp quan trọng nhất để hồi phục nhanh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021; tiếp theo là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, các chính sách kinh tế khác được đề xuất là thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư - là các động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, số hóa nền kinh tế, thúc đầy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số; khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại...

Văn Huy

Bình luận

Phiên bản di động