Kinh tế Việt Nam đứng vững trước những thách thức từ môi trường bên ngoài
Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro Bão số 3 tàn phá nặng nề, vì sao vẫn chọn mục tiêu GDP tăng 7%? Kiến nghị phấn đấu GDP quý IV tăng trưởng 7,6-8% |
Nền tảng kinh tế được giữ vững
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những yếu tố bất ổn, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi vững vàng, lạm phát diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.
Những nền tảng kinh tế được giữ vững là cơ sở để các tổ chức quốc tế duy trì các dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm tới, dù cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua gây ra những gián đoạn tạm thời, với những thiệt hại không nhỏ.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty nhận định, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, dù có những bất ổn trên toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. |
Sự phục hồi ổn định là kết quả của sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, khi nhu cầu từ bên ngoài đối với các mặt hàng điện tử xuất khẩu chủ lực đã góp phần làm gia tăng sản xuất.
Quá trình phục hồi cũng được hỗ trợ từ sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định. Trong 8 tháng (1-8/2024), xuất khẩu và nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, lần lượt tăng 15,8% và 17,7% so với mức nền thấp của 8 tháng cùng kỳ 2023.
Đại diện ADB tại Việt Nam cũng nêu một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, cầu bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ trong tháng 11/2024 có thể khiến thương mại bị phân tán, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm.
Theo ông Shantanu Chakraborty, việc tăng nhu cầu trong nước đòi hỏi phải có các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, trong khi vẫn phải duy trì lãi suất thấp; sự phối hợp giữa các chính sách là điều cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
Mặt khác, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào hai mục tiêu ổn định giá cả và hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù không gian chính sách hạn chế. Tuy nhiên, rủi ro các khoản nợ xấu tăng lên do việc tiếp tục gia hạn quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ làm hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ngày 15/9. |
“Bất kỳ biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ bổ sung nào cũng nên được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, cùng với việc đẩy nhanh cải cách thể chế để hỗ trợ nền kinh tế”, đại diện ADB nhìn nhận.
Chuyên gia của ADB khuyến nghị, để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý Nhà nước toàn diện; cầu bên ngoài yếu hơn kỳ vọng đòi hỏi tiếp tục các biện pháp chính sách để thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm kích thích cầu nội địa.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo thuận lợi cho các khoản tài trợ có chi phí thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Shantanu Chakraborty khuyến nghị Chính phủ cũng cần tăng trưởng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy kinh tế của các địa phương chịu thiệt hại do bão lũ. Việc giải ngân đầu tư công thường được đẩy mạnh vào cuối năm và đây sẽ là động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế năm nay của Việt Nam.
Quyết tâm tăng trưởng 7% dù thách thức hơn do siêu bão
Nếu nền kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 6,5-7% trong quý III/2024, theo một chuyên gia kinh tế, để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6,5%, tăng trưởng quý IV/2024 cần đạt khoảng 6,2%. Trước thời điểm xảy ra trận bão Yagi, nhiệm vụ nêu trên tương đối khả thi.
Tuy nhiên, siêu bão Yagi đã tàn phá rất ghê gớm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính cơn bão gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước. Hải Phòng - một trong 2 địa phương bị bão Yagi càn quét chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023; trong khi đó, Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.
“Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết thêm, tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35%, quý IV hạ 0,22% so với kịch bản không có bão Yagi.
Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng hạ 0,05% và dịch vụ 0,22%.
Dù vậy, tại Hội nghị ngày 15/9; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, mà trước hết là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính, điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ, bởi rõ ràng tham số bão Yagi cần phải được tính đến trên con đường chinh phục mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024; trận bão vừa qua đã gây ra những thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng tới hạ tầng cầu đường, các cơ sở sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các diện tích lúa, hoa màu… Do đó, để giúp các tỉnh miền Bắc phục hồi, sẽ mất rất nhiều ngân sách và nguồn lực.
“Theo dự báo của World Bank, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 13% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Trận bão Yagi sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2024 nói riêng và cả năm 2024. Chúng ta sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Về động lực tăng trưởng trong những tháng sắp tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhất trí cho rằng đầu tư công là một trong những trọng điểm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài việc đầu tư lại các hạ tầng đã bị bão Yagi tàn phá, đầu tư công nên hướng đến các công trình, dự án quan trọng, có sức lan toả, làm nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2025 và các năm về sau.
Vị chuyên gia kinh tế tài chính lưu ý thêm, một nhiệm vụ cấp thiết nữa là hỗ trợ sự phục hồi hoàn toàn của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý… Đây cũng chính là những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo.