Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro
Kinh tế - xã hội quý III, 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực Hà Nội: Văn hóa là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội |
Ngày 9/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội nước ta khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả đạt được, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo. |
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá; tín dụng tăng trưởng chưa cao; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; vừa phải đối mặt với áp lực gia tăng về điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ; vừa phải đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh rườm rà, chưa triệt để.
Thẩm tra đánh giá nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Thêm vào đó, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại hệ lụy tiêu cực như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là cơn bão số 3 Yagi đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản và có thể tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta. Dân số tiếp tục xu hướng già hóa nhanh, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”. Tình hình tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, trong đó có những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội.