Dự án 1 luật sửa 7 luật: Kỳ vọng gỡ nhiều “nút thắt” phát triển kinh tế

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật) là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Bộ Tài chính.
Ngày 14/9 sẽ trình Chính phủ dự thảo lần cuối Luật Điện lực (sửa đổi) Thường vụ Quốc hội xem xét 11 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8

Theo Bộ Tài chính, dự án luật được kỳ vọng sau khi được thông qua sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Hoàn thiện pháp luật về tài chính – ngân sách, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực như chứng khoán, kế toán, kiểm toán, ngân sách Nhà nước, tài sản công, quản lý thuế, dự trữ quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo để tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nội dung này đã được thể hiện trong văn kiện và nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ.

Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5 và thứ 6 Quốc hội khóa XV đã quyết nghị về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về ngân sách nhà nước, tài sản công, tài chính, chứng khoán, trái phiếu,…; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật, pháp lệnh có liên quan…

Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nêu trên là cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Dự án 1 luật sửa 7 luật: Kỳ vọng gỡ nhiều “nút thắt” phát triển kinh tế
Bộ Tài chính đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật.

Tại các nghị quyết mới đây của Chính phủ (Nghị quyết số 82/NQ-CP; Nghị quyết số 93/NQ-CP; Nghị quyết số 97/NQ-CP); công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng như kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng đã thống nhất xây dựng 1 luật để sửa đổi, bổ sung 7 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giao Bộ Tài chính xây dựng dự án luật này theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các luật do bộ chủ trì soạn thảo. Kết quả cho thấy, có 7 luật trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Do đó, Bộ Tài chính tiến hành xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý thuế.

Từ tình hình thực tiễn phát sinh, Bộ Tài chính đã rà soát, lựa chọn một số vấn đề lớn có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và mang tính cấp bách để đề xuất hoàn thiện các luật nêu trên liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của bộ.

Trong đó, đối với Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Trong đó, đề xuất sửa đổi các quy định về mức tiền phải trả lãi, quy định về nguyên tắc quản lý thuế, thẩm quyền hoàn thuế, quy định về hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp xuất cảnh; quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế…

Về tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, nhất là hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế, quy định liên quan đến khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế với các cơ quan liên quan; trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan trong việc cung cấp thông tin người nộp thuế.

Đồng thời, nhằm mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử cũng như sử dụng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử.

Liên quan đến Luật Dự trữ Quốc gia, Bộ Tài chính đề xuất phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách Trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia; bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung các quy định này góp phần cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính kịp thời cho hoạt động dự trữ quốc gia và thuận lợi trong các quy trình, thủ tục theo quy định; tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia và bộ máy cơ quan dự trữ nhà nước, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Đối với Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất sửa bổ sung các quy định về cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, đặc biệt là các dự án có tính chất vùng và liên vùng; quy định rõ nội dung chi ngân sách Nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên cũng như quy định nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác…

Liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời đảm bảo việc áp dụng pháp luật đồng bộ, thống nhất giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

Đối với Luật Chứng khoán, theo Bộ Tài chính, luật này và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Chứng khoán trước đó.

Tuy vậy, sự phát triển nhanh chóng của thị trường kéo theo sự phát sinh một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán, cần được xem xét, sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, rủi ro trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến luật này bao gồm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; về chào bán chứng khoán; về công ty đại chúng, về tổ chức, triển khai các hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm; hoàn thiện các quy định nhằm mục tiêu thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán…

Về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về đăng ký, hành nghề kiểm toán; quy định liên quan đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý, trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực kế toán, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người làm kế toán.

Với mục tiêu để các quy định trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam tiến tới phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề xuất các quy định liên quan đến áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng chuẩn mực này tại Việt Nam; các quy định hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; nâng cao tính minh bạch, tuân thủ báo cáo tài chính của đơn vị có quy mô lớn…

Hậu Lộc
Phiên bản di động