Kinh tế chia sẻ có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm, lũng đoạn
Báo Singapore: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn mong đợi |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những tác động của kinh tế chia sẻ đối với các nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn vừa qua, tuy một số loại hình kinh tế chia sẻ mới bước đầu phát triển ở Việt Nam nhưng đã cho thấy ưu thế vượt trội và khẳng định được vị thế trong nền kinh tế, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab, Uber…) cũng là mô hình kinh tế chia sẻ |
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đặt ra vấn đề là việc đầu tư trong một số mô hình kinh tế kinh tế chia sẻ có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và lũng đoạn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. Thậm chí các tập đoàn nước ngoài chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các chủ thể tham gia các mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài.
Lấy dẫn chứng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên thực tế, Grabcar, Uber, Fastgo…đã đầu tư đầu tư mở thị trường và phát triển mạng lưới chi phối thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến Việt Nam; tương tự, lĩnh vực dịch vụ chia sẻ phòng ở cũng chủ yếu do Airbnb, Expedia,…chi phối.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thị trường dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P lending) đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…chi phối.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần kinh tế chia sẻ trong nước.
Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình kinh tế chia sẻ khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm… vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần.