Kinh nghiệm quốc tế về thu hút và giữ chân nhân tài
Kinh nghiệm từ Châu Á
Theo ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc: Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài hiệu quả. Nhiều chính sách, cách làm và kinh nghiệm của Hàn Quốc mà Việt Nam, cụ thể là Hà Nội có thể áp dụng.
Hàn Quốc không có bất cứ nguồn tài nguyên thiên nhiên gì nhưng phát triển như ngày hôm nay một phần nhờ vào việc tận dụng nguồn chất xám của đội ngũ trí thức. Những người này được đào tạo bài bản ở các nước phát triển, sau đó trở về đóng góp cho đất nước.
Bên cạnh đó những chính sách về đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nghề kèm theo chương trình phát triển nhân lực trình độ cao trong khoa học công nghệ (KHCN), công nghiệp đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, xây dựng thành công những TP thông minh trên khắp Hàn Quốc.
Ở Hàn Quốc, mối quan hệ giữa Chính phủ và giáo dục đại học không thể tách rời. Chính phủ ban hành các chính sách hợp lý cải tổ nền giáo dục đại học để "sản xuất" ra nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với nền tảng KHCN. Chính điều này đã cung cấp đủ nguồn nhân lực đặc biệt phát triển kinh tế quốc gia.
Trong khi đó, nhìn tổng thể khách quan, học sinh tốt nghiệp THPT ở nước ta, nhất là ở Thủ đô Hà Nội không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Tuy nhiên, người tốt nghiệp đại học của Việt Nam có thể nói phần nhiều còn thua kém so với người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, đặc biệt về các mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc...
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - UVBCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội trao khen thưởng tới các thủ khoa |
Trong khoảng thời gian khá dài gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp và làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Điều đó cho thấy giáo dục đại học và đào tạo nghề mà xã hội thực sự cần thay đổi.
Thứ nhất, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phân tách ra 2 mô hình: Đó là đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần. Trong đó trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học.
Trường nào không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của xã hội, quốc gia sẽ tự dần phải thay đổi hoặc tự đào thải. Điều này đã được quy định cụ thể hơn trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018.
Thứ hai, giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học theo mô hình giống như Hàn Quốc hay các nước phát triển.
Thứ ba, giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương. Tuyển chọn và hỗ trợ cho những người có chuyên môn phù hợp với những việc đang cần đến. Việc tài trợ cho đội ngũ này cần ở mức đủ để họ tập trung vào nghiên cứu, phát triển KHCN.
Thành lập một số nhóm nghiên cứu cho lĩnh vực trọng tâm như công nghệ mang tính ứng dụng cao, nhanh ra sản phẩm, cấp cho họ khoản kinh phí hoạt động ban đầu nhất định. Đổi lại họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết ra kết quả cụ thể.
Các chính sách về khoa học và giáo dục cần đề cao giá trị của các nghiên cứu khoa học có chất lượng. Đặc biệt là khả năng áp dụng thành tựu KHCN trong đời sống thực tiễn, tạo giá trị thặng dư cho việc phát triển kinh tế.
“Đối với Singapore, lao động sinh sống và làm việc tại Singapore dù là người bản địa hay người nước ngoài đều được đối xử tương đối bình đẳng, họ chịu mức thuế thu nhập dao động 10 - 22%/năm. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore vẫn có những ưu tiên dành cho công dân của mình khi người nước ngoài sẽ phải chi trả nhiều hơn khoảng 30% để sở hữu tài sản như nhà ở và phương tiện cá nhân ở quốc gia này” - bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật - hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết.
Kinh nghiệm từ Châu Mỹ
Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật - hành chính nhà nước, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết thêm, Hoa Kỳ là cường quốc và được thiết lập nên nhờ nhiều yếu tố.
Ngoài chiến lược đúng đắn, chính sách kinh tế cụ thể, để có thể phát triển mạnh mẽ và phát triển bền vững, Hoa Kỳ đã và đang duy trì một đội ngũ lao động thực sự có chất lượng, đặc biệt là đội ngũ nhân tài - đây là nhân tố chính khiến nước Mỹ tiếp tục thịnh vượng như ngày nay.
Bên cạnh đó, tùy vào từng vị trí, lĩnh vực, cấp độ, cơ quan tuyển dụng đưa ra những kế hoạch phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người tài. Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ đưa ra 4 tiêu chí cải thiện quy trình tuyển dụng cấp liên bang: tăng cường thông tin phản hồi cho ứng viên về tình trạng hồ sơ; khuyến khích sự tham gia của các nhà quản lý vào các khâu tuyển dụng; đảm bảo độ chi tiết của thông báo tuyển dụng; phát triển và hoàn thiện một lộ trình tuyển dụng cấp liên bang.
Trong quy trình tuyển dụng của Mỹ là thiết kế bản mô tả công việc và nội dung thi đầu vào được tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng. Bản mô tả thể hiện rõ các yêu cầu của vị trí cần tuyển, giới thiệu được sứ mệnh và hoạt động chung của cơ quan tuyển dụng. Các cơ quan quản lý lập kế hoạch chi tiết trong việc quản lý nguồn nhân lực tài năng ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.
Đồng chí Trần Lưu Quang - UVBCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trần Sỹ Thanh - UVBCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao khen thưởng tới thủ khoa |
Đặc biệt, nhân tài luôn có cơ hội thăng tiến, các nhà lãnh đạo sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có tài năng, nguyện vọng và sự phù hợp của người đó với vị trí mà họ đang mong muốn. Đối với những tài năng thực sự, cơ quan quản lý nhân sự có thể tự cho phép người đó thăng tiến vượt cấp, không cần phải tuân theo từng bước trong điều luật về nhân sự của Chính phủ.
Cùng với đó, Chính phủ liên bang đã đưa ra chính sách lợi ích dành cho nhân viên liên bang cao hơn 48% so với khu vực tư nhân. Nhân viên liên bang nhận được nhiều quyền lợi như ngày nghỉ nhiều hơn nhưng vẫn được trả lương, bảo hiểm y tế và các chương trình trợ cấp hưu bổng được xác định, vốn ít có trong khu vực tư nhân. Khi đã chọn làm việc cho Chính phủ, nhân viên sẽ có quyền tiếp cận với các gói chăm sóc sức khỏe hạng nhất, Chính phủ liên bang cung cấp tài khoản chi tiêu chăm sóc sức khỏe linh hoạt tối đa 5.000 USD mỗi năm. Cơ quan liên bang sẽ chi trả phần lớn chi phí chăm sóc sức khỏe, thường là từ 70 đến 100%.
Để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia về pháp luật đề xuất cần tiếp tục đổi mới quản lí Nhà nước đối với nhân tài, theo đó, tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, TP Hà Nội được quy định việc kí hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô cần có sự đảm nhiệm của người có năng lực, kinh nghiệm và trình độ cao. TP được quyết định sử dụng ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là nhân lực chất lượng cao; Mức chi căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của TP. TP được quy định việc kí hợp đồng với người có kiến thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm đã và đang làm việc ở khu vực tư hoặc ở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lí các tổ chức, cơ quan, đơn vị của Thủ đô. Bên cạnh đó, còn phải hướng tới việc tạo môi trường làm việc tốt, phải đảm bảo nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài,… Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao gắn với tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính bền vững. |