Kinh doanh thua lỗ, nợ chồng chất, Công ty Saigon Glory chậm trả 3.000 tỷ trái phiếu

Trong bối cảnh thua lỗ, nợ chồng chất, Công ty TNHH Saigon Glory đang gặp khó trong việc thanh toán tiền trái phiếu cho nhà đầu tư...
Sẵn sàng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ qua sàn Phó Thủ tướng: Nhanh chóng khôi phục niềm tin với thị trường chứng khoán, trái phiếu Thêm doanh nghiệp chậm thanh toán hàng nghìn tỷ đồng tiền trái phiếu

Công ty TNHH Saigon Glory mới đây đã có thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán tiền trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Công ty TNHH Saigon Glory chậm thanh toán tiền gốc 3 lô trái phiếu có mã SGL 2020.01, SGL 2020.02, SGL 2020.03 với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.

Theo thông báo, cả 3 lô trái phiếu trên đều được Công ty TNHH Saigon Glory phát hành vào tháng 6/2020 và đáo hạn vào tháng 6/2023, mỗi lô trái phiếu có giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày thanh toán theo kế hoạch là 22/6/2023, Công ty TNHH Saigon Glory mới trả được số tiền lãi của mỗi lô trái phiếu là 29,5 tỷ đồng, còn số tiền gốc doanh nghiệp chưa thể trả đúng hạn.

Nêu nguyên nhân chậm thanh toán, Công ty TNHH Saigon Glory cho biết, do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, dẫn đến tổ chức phát hành chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán gốc trái phiếu đúng hạn so với kế hoạch.

Công ty TNHH Saigon Glory cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu. Tuy nhiên, tỷ lệ tham dự hội nghị không đủ túc số để tổ chức.

Liên quan đến việc này, nhiều ngày qua, nhiều nhà đầu tư đã tập trung căng băng rôn đề nghị Công ty TNHH Saigon Glory thanh toán tiền trái phiếu, trong bối cảnh khó khăn chung, họ không đồng ý gia hạn nợ cho nhà phát hành.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Saigon Glory là chủ đầu tư của dự án Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (Khu Tứ giác Bến Thành), tên thương mại là The Spirit of Saigon, TP HCM. Hồi giữa năm 2020, công ty đã phát hành 10 lô trái phiếu có mã thứ tự từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10, với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng để phát triển dự án.

Công ty TNHH Saigon Glory có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng và 100% vốn do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là cổ đông mẹ nắm giữ. Doanh nghiệp được thành lập năm 2018 với nhiệm vụ quản lý và phát triển các dự án, trong đó có dự án The Spirit of Saigon.

Theo công bố chỉ số tài chính, năm 2022, Công ty TNHH Saigon Glory lỗ hơn 152,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 290,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm so với cùng kỳ, còn hơn 6.847 tỷ đồng.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,99, tương đương khoảng 27.300 tỷ đồng nợ phải trả. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 1,46, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng.

Được biết, hồi tháng 10/2022, liên quan vụ lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, dư luận quan ngại về khả năng thanh toán trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory, doanh nghiệp này đã có cam kết sẽ mua lại trước hạn 10.000 tỷ đồng trái phiếu theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, Công ty TNHH Saigon Glorycam kết sẽ mua lại các gói trái phiếu có mã thứ tự từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.05 không muộn hơn ngày 12/6/2023. Còn các gói trái phiếu có thứ tự mã từ SG-2020.06 đến SGL-2020.10, công ty cam kết mua lại trước hạn và không muộn hơn ngày 12/6/2024.

Tháng 4/2023, Công ty TNHH Saigon Glory cũng đã có báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của năm 2022 lên HNX. Cụ thể, riêng trong năm 2022, công ty này có 40 đợt thanh toán lãi trái phiếu cho 10 lô phát hành bên trên, tổng thanh toán gần 1.110 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, kể từ sau các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, doanh nghiệp mua lại khối lượng trái phiếu trước hạn lớn.

Từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường; tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn thanh khoản có thể chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Do đó, để ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian xây dựng phương án tái cơ cấu nợ và hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các nghị định hiện hành của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong việc thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu; phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc nếu có vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành phải khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đại diện Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nêu trên, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính.

Hậu Lộc
Phiên bản di động