Kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt

Nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững...
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay hết sức khó khăn

Chiều 19/9, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm vào các vấn đề mang tính thời sự, ngắn hạn đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo Chủ tịch Quốc hội, xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Nêu một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau đại dịch COVID-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại phải gặp thách thức lớn.

Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.

Kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023.

Tuy nhiên, từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 mà nghị quyết của Quốc hội đề ra. Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững.

Các ý kiến tại diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, các ý kiến cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn; tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Các ý kiến tại diễn đàn đều nhất trí rằng cần phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế luôn cần phải kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023.

Các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.

Khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.

Tóm lược một số gợi ý, đề xuất chính sách của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động.

Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối; phối hợp chính sách hiệu quả đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Về vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, các ý kiến tại diễn đàn đề xuất cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững.

Việt Nam cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu. Khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư.

Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu về thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Các đại biểu cho rằng cần có thêm các chính sách nhằm quan tâm thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP HCM; tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn; quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Đây là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận thông điệp phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới được đưa ra rất mạnh mẽ tại diễn đàn, đồng thời kẳng định những thông tin quý, hữu ích với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động