Kiểm tra công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm từ các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt Có tình trạng giấu giếm trong các sự cố về an toàn thực phẩm Khai mạc phiên giải trình về an toàn thực phẩm |
Theo báo cáo của phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mê Linh, tổng số cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện có 107 cơ sở gồm nhóm trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở. Trong đó, có 88 cơ sở có bếp ăn tập thể (có 58 trường tự nấu, 4 trường có ký kết nhà thầu nấu ăn, 9 trường thuê cơ sở nấu ăn ngoài).
Số học sinh tham gia uống sữa học đường khối mầm non là 13.588 học sinh/16.739 học sinh; khối tiểu học là 21.079 học sinh/23.421 học sinh.
Trường Mầm non Tiền Phong B (Huyện Mê Linh, Hà Nội) đã bố trí kho bảo quản sữa học đường. |
Nhằm thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm cho các em học sinh, huyện Mê Linh đã đẩy mạnh công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát chặt chẽ chất lượng sữa học đường.
Cụ thể, phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mê Linh đã phối hợp với phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nhất là trong trường học.
Huyện Mê Linh triển khai quy trình giám sát, xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thực phẩm do sữa. Trung tâm Y tế huyện chủ trì phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo tổ chức tập huấn công tác quản lý, chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm, cách xử trí khi xẩy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học cho 240 người tham dự là các hiệu trưởng, bếp trưởng, nhân viên y tế các trường học trên địa bàn huyện.
Huyện cũng đã rà soát thẩm định năng lực của các nhà thầu, nhà cung cấp cho bếp ăn tập thể trường học và sữa học đường. Trước khi các trường tổ chức khai giảng, phòng Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với phòng Y tế tiến hành rà soát, hướng dẫn các trường có bếp ăn bán trú củng cố đầy đủ hồ sơ, sổ sách, các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động ăn bán trú.
Đến nay, 100% các trường đã có đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ của nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm và ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các tổ chức, cá nhân đảm bảo hồ sơ pháp lý và nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng; 100% các trường học trên địa bàn huyện đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; 100% các trường học trên địa bàn huyện đã bố trí kho, kệ bảo quản thực phẩm và sữa học đường theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể huyện và các cơ sở tuyến thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các hoạt động về an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và sữa học đường.
Phòng Y tế huyện đã phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo, UBND các xã, thị trấn thanh kiểm tra an toàn thực phẩm các trường, nhóm trẻ, trường mầm non, trường tiểu học có bếp ăn bán trú; phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể các trường học có nhà thầu nấu tại trường, tiếp nhận cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm của các trường tự nấu.
Nhằm quyết liệt thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học, huyện đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các trường có bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện. Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện đã kiểm tra 54 cơ sở bếp ăn tập thể trường học, phát hiện và xử phạt 4 cơ sở vi phạm với số tiền trên 16 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa có lưới chặn côn trùng, có động vật gây hại trong khu chế biến... Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đã xét nghiệm nhanh thực phẩm, kết quả 100% thực phẩm đều đạt.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đã kết hợp tư vấn, hướng dẫn các trường thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện các tiêu chí về an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, ghi chép sổ sách về nguồn gốc thực phẩm, thực hành vệ sinh cá nhân của người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể... nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn cho học sinh và phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại bếp ăn tập thể nhà trường.
Đặc biệt, các cơ sở cũng đã thành lập tổ tự giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường (thành phần gồm nhà trường, cơ sở cung cấp suất ăn (nếu có), hội cha mẹ học sinh...), có sổ theo dõi việc kiểm tra giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn tập thể trường học như giám sát nguồn gốc sữa, vận chuyển, giao nhận, lưu kho, bảo quản các sản phẩm sữa triển khai chương trình sữa học đường; giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học về vị trí, nơi chế biến, ăn uống, trang thiết bị dụng cụ, nguồn nước, nguồn gốc thực phẩm, sổ kiểm thực 3 bước, bảo hộ lao động, lưu mẫu thức ăn, bảo quản thực phẩm...