Khoảng hơn 65% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm

Bộ Y tế đã tổ chức "Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm" tại Bệnh viện Bạch Mai. Đây sự kiện đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Hà Nội kiểm soát bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần Hà Nội kiểm soát bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần 5 mục tiêu phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: "Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng, quan tâm và đánh giá cao vai trò của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong phát triển đất nước.

Đặc biệt trong 3 năm chống dịch COVID-19 vừa qua, không thể nói hết những hy sinh của các nhân viên y tế giúp đất nước vượt qua đại dịch cùng với đó là sự đóng góp và hỗ trợ rất hiệu quả của các quốc gia, bạn bè trên thế giới trong đó có đất nước Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo

Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được mở rộng và phát triển. Thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành Y tế Việt Nam nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi.

Các dự án hợp tác với Nhật Bản đều được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững, mang lại những đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tăng cường cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và quản lý bệnh viện".

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ trên thế giới, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất với hầu hết các quốc gia và khu vực.

Số liệu năm 2019 cho thấy gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 62,5% tổng gánh nặng bệnh tật do mọi nguyên nhân, trong khi gánh nặng bệnh tật do bệnh truyền nhiễm, bệnh lý bà mẹ, chu sinh, rối loạn dinh dưỡng chỉ chiếm khoảng 27%. Đây là những bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, những bệnh không lây nhiễm thường có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được. Vì vậy, kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung của bệnh không lây nhiễm có vai trò quan trọng hàng đầu.

Bộ Y tế đang hợp tác với các quốc gia trong đó có Nhật Bản để chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, quản lý bệnh viện và nhiều lĩnh vực y tế khác.

Người đứng đầu ngành Y tế bày tỏ, đây còn là dịp trao đổi về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm, mà trở thành diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y tế giữa hai nước, từ đó đưa ra các định hướng về hợp tác, phát triển trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ phát biểu tại hội thảo

Liên quan đến bệnh không lây nhiễm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như: Ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

Theo báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn.

Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia rất nhiều nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch...

Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm lần này có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Nhật Bản và Việt Nam, tập trung những bài báo cáo về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm.

Các chủ đề về tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, hô hấp… sẽ được báo cáo trong 3 phiên toàn thể, 4 phiên chuyên đề với tổng số 28 bài báo cáo. Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản sẽ trao đổi, chia sẻ trực tiếp và đưa ra các giải pháp, chiến lược quản lý trong phần thảo luận sau mỗi phiên.

Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã hợp tác với Nhật Bản thông qua nhiều chương trình, dự án. Một trong số những dự án hợp tác lớn đầu tiên được chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại là dự án "Nâng cấp Bệnh viện Bạch Mai" nhằm hỗ trợ bệnh viện nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, một số cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã được sang đào tạo, tập huấn tại Nhật Bản về công tác quản lý và vận hành kỹ thuật, trang thiết bị.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động