Khó khăn pháp lý gây hệ lụy xấu cho bất động sản

Nếu khó khăn không được giải quyết kịp thời, số doanh nghiệp bất động sản giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.
Hơn 2,74 triệu tỷ đồng vốn ngân hàng rót vào bất động sản Quốc hội tiến hành giám sát thị trường bất động sản, nhà ở xã hội

Chia sẻ tại hội nghị tín dụng lĩnh vực bất động sản sáng 13/11, ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, pháp lý – chiếm đến 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu.

Theo ông Dennis Ng Teck Yow, nếu không được giải quyết kịp thời, số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao", ông Dennis Ng Teck Yow nói.

Ông Dennis Ng Teck Yow cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố.

Khó khăn pháp lý gây hệ lụy xấu cho bất động sản
Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland.

Cùng với đó, đại diện Tập đoàn Novaland cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có chính sách giảm thuế và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (năm 2022, 2023 và 2024).

Cũng chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vinhomes cho biết, thời gian qua, việc quy định hạn chế room tín dụng khiến các ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay.

Theo đó, các ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay khách hàng chấp nhận lãi suất cao làm cho mặt bằng chung lãi suất thực tế chưa như kỳ vọng.

Mặt khác, tài sản đảm bằng bất động sản bị định giá thấp hơn khi thị trường đóng băng là một trong những vướng mắc hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho khách hàng vay có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Còn các tài sản khác như máy móc thiết bị, cổ phiếu niêm yết... khiến khách hàng rất khó vay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, ông Cường đề nghị các ngân hàng đơn giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Hậu Lộc
Phiên bản di động