Khó khăn dần hiện hữu với ngành ngân hàng

Khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022...
Nếu không cẩn thận, khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào các ngân hàng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Cần tăng cường sức chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo phân tích ngành ngân hàng, trong đó đã nêu lên những khó khăn của ngành này.

Theo VNDirect, đến cuối quý I/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ tăng 2,1% so với đầu năm (thấp hơn đáng kể so với mức 5 - 6% các quý cùng kỳ trước). Các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn đã đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành (TCB, HDB, VPB, TPB, MSB…).

Ngược lại, tín dụng tại các ngân hàng cho vay cá nhân ghi nhận giảm/chậm lại so với đầu năm (ACB, VIB, STB…). Nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân, theo đó làm giảm nhu cầu vay và các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm này.

Khó khăn dần hiện hữu với ngành ngân hàng
Ảnh minh họa.

Bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, khách hàng cá nhân sẽ có xu hướng tăng “gửi tiết kiệm” trong môi trường lãi suất cao và kinh tế suy yếu (tiền gửi cá nhân tiếp tục đà tăng trưởng cho đến tháng 2/2023).

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm đáng kể cùng thời điểm. Dù thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã dồi dào trở lại, kênh tiền gửi khách hàng hiện vẫn chiếm phần lớn trong tổng huy động của các ngân hàng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý I/2023 (so với 2% cuối 2022). Đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm so với quý trước.

Theo VNDirect, khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022. Các ngân hàng với bộ đệm dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào bất động sản như VCB, ACB… sẽ hạn chế được rủi ro hiện tại.

Tuy vậy, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng khác được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành và một số các dự án bất động sản được tháo gỡ pháp lý.

Hậu Lộc
Phiên bản di động