Khó khăn bủa vây dệt may Việt Nam
Hết tháng 8, dệt may vẫn cách xa mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD |
Nguy cơ gian lận xuất xứ
Tại bản tin kinh tế dệt may tháng 11/2019, Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện nhiều lô quần áo thời trang có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Nhập hàng từ nước ngoài, cắt mác, gắn tem thương hiệu trong nước... là thủ đoạn tuy không mới nhưng rất khó kiểm soát.
Việc gian lận xuất xứ hàng hóa, không những làm giảm sút lòng tin của người tiêu dùng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước, mà quan trọng hơn, về lâu dài giá trị thương hiệu sản phẩm Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, trong quá trình phát triển các thương hiệu nội địa, tập đoàn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận xuất xứ đang tràn lan trên thị trường, điều này đã khiến doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh.
Ông Trường cũng cho rằng, hàng nhái, giả, không chính hãng, gian lận xuất xứ là vấn nạn với doanh nghiệp chân chính, bằng cách sản xuất không qua yêu cầu về kỹ thuật, môi trường, không có đăng ký sở hữu trí tuệ, không có chính sách về thuế, yêu cầu về người lao động thì hàng giả, hàng nhái sẽ có ưu thế rất lớn về giá cả trên thị trường.
Theo ông Trường, các doanh nghiệp cũng tích cực đầu tư vào các công cụ chống hàng giả trên thị trường. Tuy nhiên, một mình doanh nghiệp không thể làm được, cần có sự đóng góp của cơ quan nhà nước, lực lượng quản lý thị trường để tích cực đấu tranh. Trên thực tế, hiện nay chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng không có căn cứ để phân biệt sản phẩm. Thật giả lẫn lộn, về lâu dài giá trị thương hiệu Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Không chỉ đối mặt với nguy cơ gian lận xuất xứ “Made in Vietnam”, ngành dệt may Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... |
"Chúng ta phải rõ ràng minh bạch nguồn gốc dòng sản phẩm, xuất xứ này ở đâu, nguồn gốc phụ liệu ở đâu, sản xuất nhà máy nào, chứ không phải nhập khẩu ở nước khác về rồi đi mua, thao tác một số động tác rồi gắn mác vào", ông Trường nhận định.
Cũng theo ông Giang, với cơ quan như công an, hải quan, quản lý thị trường phải làm tốt kiểm soát, nắm bắt thông tin để vào cuộc xử lý thấu đáo để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp trong nước. Việc gian lận ghi nhãn sản xuất không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, doanh nghiệp dù thực hiện nhiều giải pháp nhưng chỉ có thể kiểm soát, báo cáo và chờ cơ quan chức năng giải quyết.
Chính vì vậy, ngoài việc cơ quan quản lý phải có trách nhiệm hơn để đảm bảo uy tín của thương hiệu thì nhận thức người tiêu dùng cũng cần phải nâng cao hơn để nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đứng ở góc độ người tiêu dùng phải có trách nhiệm và biết phân biệt, người mua hàng cũng nên lưu trữ hóa đơn mua bán các sản phẩm. Sau này có hiện tượng gì thì chúng ta có thể khiếu nại được.
Thiếu đơn hàng cho năm tới
Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam ước đạt 29,89 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Theo quy luật, đến hết quý 4 của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó nhưng năm nay, đơn hàng dè dặt hơn, giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ. Không chỉ thế, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đang rất khốc liệt do hiện nay, nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ và dòng đơn hàng chuyển dịch sang nước khác cũng khiến dệt may Việt Nam gặp khó khăn.
Theo đó, đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia; giá bông thường xuyên giữ ở mức thấp trong khi việc sử dụng bông tại các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc đang chậm lại, cả thương nhân và người mua cuối cùng đều giữ nhu cầu ở mức tối thiểu và tránh tích lũy hàng tồn kho.
Tương tự, thị trường sợi cũng gặp nhiều khó khăn, sự cạnh tranh về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan ngày càng gay gắt.
Theo Bộ Công thương, trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Trong những tháng cuối năm, cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA; doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.