“Khi nhựa lên tiếng”: Thanh niên chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Không chỉ đóng góp những ý tưởng sáng tạo tuyên truyền về rác thải nhựa trong cuộc thi Plastic Talk, các bạn trẻ còn được gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia để có thể góp sức về bảo vệ môi trường.
Bắc Giang: phát động phong trào phòng chống rác thải nhựa Thái Nguyên: Nhà vệ sinh làm bằng chai nhựa dạy học sinh bảo vệ môi trường Người Hà Nội “không vứt túi nilon” khi tiễn ông Công ông Táo về trời

Ngày 6/11/2021, Lễ trao giải cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng” chính thức được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) tổ chức bằng hình thức trực tuyến nhằm tổng kết và trao giải cuộc thi và tri ân các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình.

Tổng số 11 giải thưởng được trao cho 10 sản phẩm truyền thông sáng tạo nhất thuộc 3 hạng mục “Phim ngắn, phóng sự, đồ họa chuyển động”, “Podcast” và “Truyện tranh, tranh vẽ, poster và ảnh chụp”.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Tọa đàm “Thanh niên với giảm thiểu rác thải nhựa” đã được tổ chức nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội được gặp gỡ, lắng nghe, cùng trao đổi quan điểm về rác thải nhựa với các chuyên gia, khách mời tại tọa đàm. Sự kiện được livestream trực tiếp trên các fanpage của Ban tổ chức.

“Khi nhựa lên tiếng”: Thanh niên chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, quá trình đô thị hoá và thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn tới khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn quốc. Trong vòng hai thập kỷ vừa qua, lượng nhựa sử dụng hằng năm tại Việt Nam tăng đáng kể, từ 3.8 kg/người (năm 1990) tới 33 kg/người (2010), 41 kg/người (2015) (BTNMT, 2020) và chạm ngưỡng 81 kg/người (2019) (IUCN-EA-QUANTIS, 2020). Khoảng 72% số nhựa đã sử dụng trở thành rác thải (tương đương với 58 kg rác/người/năm).

Hơn nửa số nhựa được sản xuất (3.6 triệu tấn/năm) không được xử lý đúng cách (IUCN-EA-QUANTIS, 2020), với tỷ lệ tái chế thấp, khoảng 15% (NPAP, 2020). Số còn lại bị chôn trong bãi rác, bãi chôn lấp, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời. Theo các nhà nghiên cứu môi trường, Việt Nam là một nguồn lớn gây ô nhiễm nhựa trên biển (Jambeck et al., 2015).

Từ bối cảnh trên, Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) và GreenHub quyết định cùng tổ chức cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng” nhằm mục đích tìm ra các sản phẩm truyền thông sáng tạo và có sức lan tỏa đến cộng đồng. Cuộc thi có sự đồng hành của Nhóm Mắt xanh - Thanh niên vì môi trường.

Cuộc thi được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) và 7 doanh nghiệp khác trong lĩnh vực bao bì, đóng gói, in ấn và có mối quan tâm tới vấn đề môi trường, bao gồm: Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam, HTX Công nghiệp Tiến Bộ, Công ty CP SX&ĐT Bluestar Việt Nam, Công ty CP SIM Việt Nam, Công ty TNHH Đức Anh, Công ty TNHH Nhựa Đào Nguyên, Công ty TNHH Srithai Hà Nội.

“Khi nhựa lên tiếng”: Thanh niên chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

“Chúng tôi rất vui mừng khi năm đầu tiên triển khai, cuộc thi Khi nhựa lên tiếng đã thu hút gần 100 sản phẩm dự thi của gần 200 tác giả tham gia theo hình thức cá nhân và nhóm. Các sản phẩm đã thể hiện sự đầu tư về thời gian, đầu tư về việc nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức và sự sáng tạo. Đây là minh chứng cho sự nhiệt huyết, mong muốn lan tỏa mạnh mẽ những hành động thiết thực cho môi trường.” - Bà Trần Thị Như Trang - Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

Bắt đầu từ giữa tháng 7 năm nay, cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích: Tìm kiếm các sản phẩm truyền thông có khả năng truyền tải hiệu quả và hấp dẫn tới cộng đồng các thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa. Các sản phẩm đạt giải sẽ được sử dụng trong các hoạt động truyền thông phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên niên và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như khuyến khích các hành động nhỏ và thiết thực trong bảo vệ môi trường; Khơi dậy niềm đam mê, khả năng sáng tạo của thanh thiếu niên với các sản phẩm truyền thông về chủ đề “Plastic talk - Khi nhựa lên tiếng”.

Điểm độc đáo của cuộc thi “Khi nhựa lên tiếng” là các thí sinh lọt vào Vòng 2 đã được lắng nghe những góp ý từ Ban giám khảo để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sáu thành viên của Ban giám khảo là những chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, nghệ thuật, phát triển. Các thí sinh có cơ hội chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm trước khi được chấm tại Vòng chung kết và lan tỏa. Ngoài ra, ban tổ chức cũng tổ chức tập huấn kiến thức về nhựa cho các học viên và cộng đồng trong thời gian diễn ra vòng 1, theo hình thức trực tuyến.

Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã công bố và trao giải thưởng cho 10 sản phẩm xuất sắc nhất ở 3 hạng mục dự thi (thêm 1 giải Ba ở hạng mục Phim ngắn, phóng sự, đồ họa chuyển động). Đồng thời, Ban tổ chức cũng trao 01 giải thưởng duy nhất dành cho sản phẩm được yêu thích nhất do cộng đồng bình chọn. Đây là những sản phẩm độc đáo, đáp ứng những tiêu chí như tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, nội dung sản phẩm, hình thức thể hiện, thông điệp ý nghĩa, tính lan tỏa. v.v.

“Plastic Talk không chỉ là một cuộc thi mà còn là một diễn đàn rộng mở để cho chúng mình có thể học tập, nâng cao nhận thức của mình về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung. Cuộc thi cũng tạo ra cơ hội để những "greener" học hỏi, trao đổi được với nhau, tương tác với cộng đồng một cách tích cực bằng những sản phẩm truyền thông sáng tạo về bảo vệ môi trường.

Từ đó, ngoài nâng cao nhận thức cho chính bản thân, nhóm Helius+ cũng như các tác giả, nhóm tác giả tham gia cuộc thi còn nâng cao nhận thức cho bạn bè, người thân và mọi người xung quanh!” - Chia sẻ của bạn Nguyễn Bá Khải, thành viên nhóm Helius+, nhóm giành 2 giải thưởng: giải Nhì hạng mục “Phim ngắn, phóng sự, đồ họa chuyển động” và giải do cộng đồng bình chọn.

“Khi nhựa lên tiếng”: Thanh niên chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Trả lời cho việc lựa chọn hình thức Podcast để tham gia Cuộc thi, bạn Nguyễn Văn Hiếu - Giải Nhất hạng mục Podcast cho biết: "Podcast là một hình thức truyền thông mới phổ biến trong thời gian gần đây. Podcast nghe thì tưởng xa lạ nhưng về bản chất nó lại gần giống với radio mà ông bà ta ngày xưa hay nghe, nhưng khác một chỗ là nó được lưu dưới dạng tệp âm thanh và được đăng tải trên Internet.

Bản thân em và cũng chắc hẳn số đông khán thính giả sẽ tìm tới Podcast vào những lúc rảnh rỗi, thoải mái nhất để có thể mở lên và lắng nghe. Chính vì thế, Podcast sẽ là một phương tiện tối ưu để chúng ta có thể tự do sáng tạo nhằm mục đích truyền tải những thông điệp tốt đẹp nào đó.

Vì vậy, em đã chọn chủ đề rác thải nhựa và thực tế hơn hết chính là rác thải y tế để giúp mọi người có thể nhận thức được thực tại, khi mà chúng ta vẫn cứ đang loay hoay trong chính cuộc sống bình thường mới này. Rác thải nhựa vẫn sẽ cứ ở mãi đó nếu chúng ta không hành động, dù đó chỉ là một hành động nhỏ mà thôi".

Với tổng giá trị giải thưởng là 42 triệu đồng, trong đó ở mỗi hạng mục bao gồm giải Nhất trị giá 5.000.000 đồng (NET); giải Nhì trị giá 3.000.000 đồng (NET); giải Ba trị giá 2.000.000 đồng (NET), và giải dành cho sản phẩm được yêu thích nhất do cộng đồng bình chọn trị giá 2.000.000 đồng (NET). Các tác giả đạt giải cũng sẽ nhận thêm Giấy chứng nhận và quà tặng từ ban tổ chức. Chi tiết hành trình cuộc thi xem tại: https://www.youtube.com/watch?v=4Xy1PZCGTGs.

Gần 100 đại biểu là đại diện các tổ chức phát triển, đơn vị tài trợ, doanh nghiệp, các thí sinh và các bạn trẻ quan tâm đến môi trường cũng đã cùng nhau trao đổi những quan điểm về vấn đề rác thải nhựa trong Tọa đàm “Thanh niên với giảm thiểu rác thải nhựa”. Các khách mời của tọa đàm bao gồm: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, chị Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Giám đốc GreenHub, bạn Nguyễn Bá Khải (thành viên nhóm Helius+).

Tại phiên tọa đàm, thanh niên được giải đáp các thắc mắc về hành lang pháp lý, việc truyền thông các tác phẩm sau cuộc thi, các kế hoạch và hoạt động tiếp theo của ban tổ chức, phương pháp hạn chế tối đa nhựa sử dụng 1 lần, và thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường thông qua giảm thiểu rác thải nhựa.

“Khi nhựa lên tiếng”: Thanh niên chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Với những kinh nghiệm về việc triển khai các dự án và truyền thông bảo vệ môi trường, chị Trang và anh Hoàng đã cung cấp nhiều thông tin về nỗ lực của chính phủ, cũng như các tổ chức, từng bước hiện thực hóa việc giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam. Trong khi đó, với vai trò là một thanh niên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bạn Khải cũng chia sẻ cách xây dựng thói quen từ chính bản thân, những khó khăn gặp phải khi thực hiện các dự án môi trường và cách thức giải quyết.

Theo kế hoạch, các sản phẩm đạt giải sẽ được sử dụng trong các hoạt động truyền thông phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thông qua hoạt động này, BTC mong muốn nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên niên và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như khuyến khích các hành động nhỏ và thiết thực trong bảo vệ môi trường; đồng thời khơi dậy niềm đam mê, khả năng sáng tạo của thanh thiếu niên về chủ đề rác thải nhựa.

DANH SÁCH 10 SẢN PHẨM ĐẠT GIẢI

Hạng mục Phim ngắn, phóng sự, đồ họa chuyển động: ● Giải Nhất: Nhóm NTP với sản phẩm “Nỗ lực ảo” mang SBD BD16. ● Giải Nhì: Nhóm Helius+ với sản phẩm “Xin đừng thả bóng” mang SBD BD11. ● 2 giải Ba: Nhóm The Purple Planet với sản phẩm “Chai nhựa nhỏ” mang SBD BD22 và tác giả Lê Nhật Linh với sản phẩm “Đương đầu với ô nhiễm nhựa” mang SBD BD07.

Hạng mục Podcast: ● Giải Nhất: Tác giả Nguyễn Văn Hiếu với sản phẩm “Tôi cố gắng!” mang SBD BD06. ● Giải Nhì: Tác giả Nguyễn Thanh Hoà với sản phẩm “Khi nhựa lên tiếng – Lá thư của muỗng nhựa” mang SBD BD05. ● Giải Ba: Nhóm The Purple Planet với sản phẩm “Chai nhựa phiêu lưu ký” mang SBD BD10.

Hạng mục Truyện tranh, tranh vẽ, poster và ảnh chụp: ● Giải Nhất: Tác giả Nguyễn Hoàng Mạnh Khang với sản phẩm “Liệu sinh vật này có thực sự tồn tại” mang SBD BD17. ● Giải Nhì: Tác giả Bùi Vân Anh với sản phẩm “Nhà hàng nhựa sản” mang SBD BD01. ● Giải Ba: Nhóm Tưởng với sản phẩm “Những điều nhựa chưa kể” mang SBD BD44.

Giải thưởng do cộng đồng bình chọn: ● Nhóm Helius+ với sản phẩm “Xin đừng thả bóng” mang SBD BD11. Tác phẩm đã xuất sắc chiếm giữ ngôi đầu bảng trong phần bình chọn với số lượt tương tác tích cực (1221 điểm tương tác hợp lệ).

PV
Phiên bản di động