Khẳng định sức mạnh toàn dân trong GPMB dự án Vành đai 4
Huyện Hoài Đức nỗ lực GPMB dự án đường Vành đai 4 Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Hà Nội giám sát việc xây dựng tái định cư tại Mê Linh |
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Tại địa phận Hà Nội, tuyến đường dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.
Để triển khai dự án trọng điểm quốc gia vô cùng quan trọng này, ngay từ đầu, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được đánh giá là nhiệm vụ cực kỳ nặng nề với khối lượng công việc, nhiệm vụ khổng lồ.
Đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố tích cực tham gia có hiệu quả việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trên địa bàn. |
Tổng thể diện tích thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ là 798,01 ha/58,2km và 16,0005ha thu hồi ngoài chỉ giới đường đỏ. Số hộ tái định cư khoảng 1.006 hộ. Thành phố Hà Nội bố trí 12 khu tái định cư với diện tích 392.789m2; di chuyển 43 cột điện cao thế.
Với vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội từ sớm đã nhận trách nhiệm là hạt nhân giúp các cá nhân, tổ chức chung tay vào cuộc nhằm thúc đẩy nhanh nhất công tác GPMB tại 7 quận, huyện.
Tại huyện Mê Linh, địa phương đã hoàn thành rất nhanh chóng công tác GPMB phục vụ thi công dự án Vành đai 4 (đoạn qua huyện), mặt trận các cấp đã phát huy vai trò đặc biệt hiệu quả.
Theo đó, Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh dài 11,2km, đi qua 5 xã, cần di dời 370 ngôi mộ và diện tích giải phóng mặt bằng diện tích đất lên đến 140ha.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh, cán bộ Mặt trận các cấp của Mê Linh đã tích cực cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong diện cần GPMB đồng thuận thực hiện, phấn đấu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Người dân đối chiếu thông tin, thực hiện nhận chi trả kinh phí đền bù, GPMB dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. |
Một trường hợp có thể kể tới là ông Nguyễn Quang Vũ - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh.
Ông Vũ chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đại Thịnh; Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Đồng thời phát huy vai trò của những người có uy tín trong gia đình, dòng họ trong tuyên truyền, vận động di dời mộ phục vụ dự án. Do vậy đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao của các gia đình, dòng họ.
Còn tại xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), cán bộ Mặt trận xã, thôn thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ người dân để họ yên tâm thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa, ông Hà Văn Quyết, thôn Kim Tiền có 3,2ha đất của 53 hộ gia đình và 24 ngôi mộ nằm rải rác ở các xứ đồng, cũng thuộc diện phải di dời, giải phóng mặt bằng.
Hiểu được tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4, ông Quyết chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong việc cắm, bàn giao mốc giới và triển khai công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo chỉ đạo của xã, huyện, thành phố.
Ông Hà Văn Quyết (bên trái) - Bí thư Chi bộ thôn Kim Tiền chia sẻ kinh nghiệm vận động Nhân dân trong PGMB phục vụ Dự án Vành đai 4 |
Với tinh thần nêu gương, ông Quyết đã vận động gia đình mình gương mẫu đi đầu bàn giao cho chính quyền toàn bộ hơn 1.000m2 đất nông nghiệp đang canh tác của gia đình. Cùng với đó, bằng sự kiên trì và gần gũi, khéo léo vận động của ông Quyết và các thành viên, thôn Kim Tiền trở thành thôn đầu tiên trên địa bàn xã Kim Hoa tổ chức di dời được toàn bộ 24 ngôi mộ nằm trong chỉ giới đường đỏ về nghĩa trang thôn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Giới, xã Kim Hoa có hơn 800m2 đất nông nghiệp chuyên trồng đào bị thu hồi để thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã nhận hơn 700 triệu đồng tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước ngay từ cuối năm 2022.
Ông Giới cho biết, việc thực hiện đền bù, chi trả cho người dân rất thỏa đáng. Với người dân có nghề trồng hoa đào, việc hình thành con đường cao tốc mới sẽ góp phần thuận tiện vận chuyển, buôn bán đào đi khắp nơi và chính người dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên.
Tại huyện Thường Tín, ông Lê Tuấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết, xác định công tác mặt trận phải âm thầm đi trước một bước; trong đó, Trưởng ban Công tác Mặt trận phải là những người tham gia đầu tiên.
Do đó, ngay từ trước Tết Nguyên đán, huyện Thường Tín cũng đã bồi thường, di chuyển mồ mả thành công cho hơn 1.700 ngôi mộ. Kết quả này có được là nhờ sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên.
“Khi thực hiện nội dung này, chúng tôi đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện, các nhà chùa cùng vào cuộc để đảm bảo tâm linh và ý nghĩa khi di chuyển mồ mả nên kết quả đạt được ngoài mong đợi”, ông Lê Tuấn Dũng chia sẻ.
Khẳng định vai trò của Mặt trận
Cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cán bộ mặt trận tại địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh đã ban hành thông tri về "Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ các cấp huyện Mê Linh tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện".
Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh xây dựng dự thảo kế hoạch giám sát kết quả, tiến độ thực hiện dự án; thực hiện cơ chế chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện dự án để không phát sinh điểm nóng.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và Thường trực Huyện ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh đã phối hợp với các tổ chức thành viên của huyện; chỉ đạo Ủy ban MTTQ các xã, cán bộ Ban công tác Mặt trận các thôn tích cực tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên và Nhân dân về chủ trương, ý nghĩa đặc biệt quan trọng và tính cấp bách của triển khai dự án; tuyên truyền các quy định liên quan thu hồi, GPMB, tái định cư dự án bằng nhiều hình thức phong phú.
Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh cũng đã cử cán bộ trực tiếp tham gia thành viên Ban Chỉ đạo triển khai dự án và thành viên tổ công tác tuyên truyền; phối hợp Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện và 5 xã có tuyến đường đi qua tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương chính sách pháp luật, quy định của thành phố, huyện về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di chuyển mộ, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án...
Đối với huyện Thường Tín, sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, huyện này đã tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của người dân trong giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Kết quả, cuối năm 2023, huyện Thường Tín đã chi trả đất và tài sản trên đất trong phạm vi thu hồi dự án 1.241,3 tỷ đồng/133,68ha/2.096 hộ (đạt 99,5%). Hiện đã có 7 xã hoàn thành 100% công tác GPMB, gồm: Hiền Giang, Nhị Khê, Duyên Thái, Hòa Bình, Ninh Sở, Khánh Hà, Hồng Vân.
Các nhà thầu đang huy động tất cả nguồn lực nhằm đảm bảo tiến độ dự Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, phấn đấu hoàn thành “siêu dự án” vào giữa năm 2025 |
Ở cấp thành phố, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, để đảm bảo tiến độ bàn giao diện tích đất GPMB, cả hệ thống chính trị thành phố và các quận, huyện đã tập trung rất quyết liệt, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng từ thành phố đến cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong các tầng lớp Nhân dân. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp thành phố, đặc biệt là hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp của 7 quận, huyện có dự án đi qua.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị chuyên đề phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố tích cực tham gia có hiệu quả việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô. |
Theo bà Nguyễn Lan Hương, từ tháng 2/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB với các hình thức: Thành lập đoàn giám sát trực tiếp tại các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua; giám sát qua báo cáo thường xuyên của các quận, huyện; giám sát qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát tham gia giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Để dự án hoàn thành mục tiêu đề ra, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã yêu cầu MTTQ các cấp và tổ chức thành viên ở 7 quận, huyện tăng cường công tác giám sát kết quả, tiến độ thực hiện dự án bảo đảm công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng và bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án...
Cho đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự quyết tâm của các ban, sở, ngành, quận, huyện; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, việc thực hiện Dự án Vành đai 4 trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả.
Đáng chú ý, đây là dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng “thần tốc”, đạt gần 98% diện tích; di chuyển mộ đạt gần 98%; 13/13 khu tái định cư được hoàn thành. Một số địa phương đã phê duyệt giá đất “đầu đi” - “đầu đến”, bố trí tái định cư cho các hộ dân và thực hiện các dự án thành phần liên quan.