Khẩn trương và chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực |
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động đăng ký kinh doanh những tháng đầu năm diễn ra sôi động mặc dù bức tranh kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo đó, hơn 41,1 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 2 tháng đầu năm nay, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là tín hiệu tích cực để hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Thời gian tới, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội đất nước trong thời gian tới thì cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.
Ảnh minh họa. |
Trong đó, cần tiếp tục tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư: chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Cụ thể là việc nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng kiến nghị tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện các giải pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng.
Đồng thời tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Ngoài ra cũng cần nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh như hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính,…