Khẩn trương hoàn thành chuyển giao ngân hàng kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong tháng 6/2024.
Kiểm soát, hạn chế sở hữu chéo, thao túng và chi phối ngân hàng Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt khi nào?

Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong tháng 6/2024, xây dựng phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với: Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt - Trung, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Khẩn trương hoàn thành chuyển giao ngân hàng kiểm soát đặc biệt
Ảnh minh họa.

Trước đó, báo cáo tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, việc xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được chuẩn bị.

Dự kiến, việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc sẽ được hoàn thành và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024. Việc chuyển giao bắt buộc sẽ được hoàn thành trong năm 2024.

Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương bắt buộc chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng gồm: CBBank, OceanBank và GPBank.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được triển khai và đạt kết quả bước đầu. Tình hình tài chính đã được cân đối, lỗ lũy kế, nợ có xu hướng giảm. Tính đến ngày ngày 30/4/2024, số lỗ lũy kế đã giảm 20%; nợ xấu tín dụng chịu rủi ro đã giảm 37,7% (giảm 15.000 tỷ đồng), bộ máy tổ chức đã tinh giản còn 30 đầu mối, giảm 35%.

Ngoài ra, 3 nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của 3 dự án nhà máy phân đạm (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai) đạt 3.937 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 75,2 tỷ đồng; sản phẩm được tiêu thụ toàn bộ, máy móc vận hành ổn định ở công suất cao (trên 90%).

Cùng đó, Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 220/NQ-CP về kế hoạch tổ chức thực hiện Thông báo số 23-TB/TW ngày 28/12/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.

Hậu Lộc
Phiên bản di động