Khám phá vẻ đẹp Kinh thành Huế

Nổi tiếng với vẻ đẹp trầm mặc, bình yên, Đại Nội Kinh thành Huế không chỉ là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam mà còn là minh chứng cho lịch sử, văn hóa và nghệ thuật phát triển rực rỡ của triều đại nhà Nguyễn. Nét đẹp cổ kính và uy nghi ấy đã làm cho biết bao du khách ghé thăm phải mê mải, đắm chìm...
Vẻ đẹp trầm mặc của Trường Quốc học Huế Ấn tượng với kiến trúc độc đáo của Cung An Định

Trong những ngày kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024), Đoàn công tác báo Tuổi trẻ Thủ đô có dịp được ghé thăm mảnh đất Cố đô - nơi được biết đến là thành phố di sản. Dẫn đầu đoàn công tác là đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Hoà chung dòng người cùng tới tham quan Đại Nội, tên gọi chung cho Hoàng Thành và Tử Cấm Thành của Kinh thành Huế xưa, chúng tôi không khỏi mê mẩn với lối kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hào độc đáo được khởi công xây dựng vào khoảng hơn hai thế kỷ trước…

Bỏ túi bí kíp tham quan Đại Nội Huế
Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ghé thăm Đại Nội Huế nhân dịp kỷ niệm sự ra đời của tờ báo Cách mạng đầu tiên của nước ta

Trên chuyến hành hương về đất Phật của những người con Hà thành, Huế như chiều lòng đoàn khi gửi xuống tiết trời dịu mát, khiến chúng tôi càng tăng thêm sự hào hứng, thích thú tham quan, tìm hiểu.

Lắng nghe sự hướng dẫn tận tình của hướng dẫn viên du lịch về từng giai đoạn lịch sử nơi chốn hoàng cung xưa, chúng tôi không chỉ được biết thêm về thân thế và cuộc đời của 13 đời vua nhà Nguyễn mà còn biến nó thành những nguồn thông tin hữu ích, có giá trị giúp ngòi bút của người làm báo càng thêm sắc bén, mang tới độc giả những sản phẩm báo chí chất lượng về di tích Cố đô.

Đại Nội Huế - Nét đẹp cổ kính bên dòng sông Hương

Đến Huế, mấy ai mà không ghé qua Đại Nội. Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, Đại Nội Huế chính là nơi sinh hoạt và diễn ra các hoạt động của vua chúa Nguyễn cùng triều đình phong kiến cuối cùng của nước ta. Cho đến nay, nơi đây vẫn luôn là biểu tượng cho vùng đất Cố đô dưới thời nhà Nguyễn.

Đại Nội Huế được xây dựng từ nửa đầu thế kỉ XX, đến năm 1993, Đại Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo sổ sách ghi chép lại, thời gian xây dựng Đại Nội kéo dài 30 năm với hàng vạn người thi công cùng các hoạt động lấp sông, đào hào, đắp thành, bên cạnh đó là khối lượng đất đá khổng lồ lên tới hàng triệu mét khối... Có lẽ bởi vậy, nên quần thể di tích này được đánh giá là công trình có quy mô đồ sộ nhất lịch sử Việt Nam.

Đến tham quan Đại Nội, người ghé thăm sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm công trình miếu thờ, đền đài và cung điện bề thế. Với vẻ đẹp tráng lệ kết hợp với nét kiến trúc độc đáo, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.

Bỏ túi bí kíp tham quan Đại Nội Huế
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng (áo trắng) - Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng các phóng viên, biên tập viên của báo cùng tham quan Đại Nội.

Đại Nội được xây dựng với hai phần, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành là khu vực riêng biệt dành cho vua chúa và gia đình nhà vua. Bên trong mỗi khu vực lại có nhiều công trình, khu vực tham quan khác nhau. Khi tới đây, đoàn chúng tôi tham quan lần lượt các địa điểm từ Cổng Ngọ Môn vào đến Tử Cấm Thành.

Tiến thẳng vào khu vực Đại Nội là hình ảnh của các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, dù bị thời gian mài mòn và chiến tranh tàn phá nhưng nó vẫn giữ được cái vẻ uy nghiêm, mang đậm dấu ấn văn hóa triều đại một thời.

Với sứ mệnh là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, Ngọ Môn Huế mở ra cánh cửa với thế giới văn hóa đầy thú vị và phong phú hoàng gia thời nhà Nguyễn.

Dừng bước trước cổng Ngọ Môn Quan, bức tường thành nhuốm màu thời gian, nhìn sự đồ sộ, hoành tráng với các đường nét hoa văn hết sức kỳ công, tinh xảo, vững chắc cùng lớp rêu phong xanh mờ của cửa Ngọ Môn, đoàn chúng tôi không khỏi trầm trồ trước công trình kiến trúc độc đáo này.

Khám phá vẻ đẹp Kinh thành Huế
Đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô trong chuyến tham quan tại Đại Nội Huế

Bên cạnh Ngọ Môn có một dòng kênh đào nhỏ nước rất trong và xanh, vừa để tạo cảnh quan cũng là để bảo vệ cho hoàng thành bên trong. Khi tiến vào Đại Nội, chúng tôi ngỡ ngàng trước quang cảnh trước mắt, dường như bấy nhiêu câu từ trong sách vở cũng chẳng thể diễn tả nổi cái vẻ đẹp mang dấu ấn thời gian, nơi từng chứng kiến một thời rực rỡ của các ông hoàng bà chúa.

Dưới tiết trời dịu mát của xứ kinh kỳ, chúng tôi vừa di chuyển vừa chăm chú lắng nghe về một giai đoạn lịch sử, về cuộc sống chốn hoàng cung xưa với những giai thoại về các vị vua triều Nguyễn.

Bằng giọng nói mềm mại, đặc trưng của xứ Huế, người hướng dẫn viên cho hay, Ngọ Môn là một công trình chính nằm ngay phía Nam Hoàng Thành của triều nhà Nguyễn. Nơi đây là một di tích sở hữu công trình kiến trúc nghệ thuật xuất sắc nhất của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng. Đây không chỉ đơn giản là cổng ra Đại Nội, mà còn được thiết kế với nhiều lớp bảo vệ và hệ thống hào nước xung quanh.

Bề dày lịch sử của Ngọ Môn được xây dựng từ thời vua Minh Mạng thứ 14, là giai đoạn triều đình nhà Nguyễn quy hoạch lại, thay đổi kiến trúc Hoàng thành trở nên hoàn thiện và độc đáo hơn. Đặc biệt, vào năm 1945, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị, trao lại ấn kiếm cho cách mạng tại cổng Ngọ Môn Huế, ngay sau Cách mạng tháng 8 thành công.

Công trình có ý nghĩa lịch sử to lớn, không chỉ là một cái cổng, mà còn là cả một tổng thể kiến trúc hoàn mỹ với nhiều điểm check-in thú vị, hấp dẫn.

Ghé thăm Đại Nội Kinh thành Huế
Kỳ đài hùng vĩ với lá cờ tổ quốc bay phấp phới trên trời cao

Cổng Ngọ Môn nằm ở khu vực Hoàng Thành Huế, nhìn về phía Nam kinh thành và phóng tầm mắt ra xa là dòng sông Hương thơ mộng.

Phần nền đài ở Ngọ Môn Huế được xây dựng hùng vĩ, đặc biệt hơn so với nền đài ở các công trình kiến trúc khác, có tổng diện tích lên đến 1.400m2, xây cao hơn mặt đất khoảng 5m.

Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, cổng gồm 5 cửa, trong đó cửa chính ở giữa chỉ dành cho vua và 2 cổng bên cạnh dành cho quan văn và quan võ, 2 cổng ngoài cùng dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu vua. Phía trên cổng là Lầu Ngũ Phụng làm từ gỗ lim chắc chắn và được chia làm 2 tầng.

Điểm gây ấn tượng là hệ thống mái tầng dưới được thiết kế chạy vòng quanh bao phủ toàn bộ Ngọ Môn để che nắng, che mưa nắng tất cả phần hồi lang. Còn hệ thống mái tầng trên chia làm 9 bộ mái, phức tạp hơn, với phần mái giữa được lợp ngói hoàng lưu ly, cao hơn 8 bộ còn lại, được lớp ngói thanh lưu ly. Dưới thời nhà Nguyễn, Lầu Ngũ Phụng là nơi tổ chức các lễ lớn của hoàng tộc.

Bước qua Cổng Ngọ Môn, đoàn chúng tôi di chuyển đến Điện Thái Hoà, đây là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng Cung triều Nguyễn. Chữ “Hòa” có nghĩa là hòa hợp, hài hòa, “Thái Hòa” là khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau.

Công trình kiến trúc này được khởi công xây dựng ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10/1805. Khi ấy Điện Thái Hòa nằm cách vị trí hiện nay khoảng 45m về phía Tây Bắc. Tháng 3/1833 khi quy hoạch lại và hoàn chỉnh hệ thống kiến trúc ở Đại Nội, Vua Minh Mạng đã cho dời Điện Thái Hòa về phía Nam, xây dựng đồ sộ, nguy nga hơn. Từ đó về sau ngôi Điện này còn được tu bổ nhiều lần.

Điện Thái Hòa được xây dựng theo kiểu nhà kép gọi là “trùng thiềm điệp ốc” hay “trùng thiềm trùng lương” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau). Diện tích mặt bằng ngôi điện là 1.360m2. Nền điện cao hơn tầng sân chầu thứ nhất 1m và cao hơn mặt đất 2,35m. Ngôi nhà chính ở phía sau là chính điện (hay chính doanh) có 5 gian hai chái, ngôi nhà phía trước gọi là tiền điện (hay tiền doanh) có bảy gian hai chái. Hai nhà trước và sau được nối lại với nhau bằng một mái thừa lưu hay còn gọi là mái vỏ cua.

Ghé thăm mảnh đất Đại Nội Huế
Điện Thái Hòa có vai trò là điện thiết triều, là địa điểm diễn ra những sự kiện quan trọng của triều đình

Chạm tay lên hệ thống sườn nhà được làm bằng gỗ lim của ngôi Điện, ta mới cảm nhận rõ được sự quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn, cùng với các hàng cột gồm 80 cái đều sơn vẽ rồng thếp vàng uốn quanh... Vậy mới nói, đây là nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của Vua, hoàng thân quốc thích và các đại thần.

Nằm trong hệ thống công trình Đại Nội Huế còn có Đại Cung Môn - cửa chính vào Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành gồm 3 cửa và 5 gian được xây dựng năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng. Cung được làm hoàn toàn bằng gỗ cực kỳ tinh xảo, với phần ngói hoàng lưu ly lợp ở phía trên.

Tuy nhiên, công trình này cùng với Điện Cần Chánh (và một loạt cung điện khác) trong Tử Cấm Thành đã bị phá hủy trong chiến tranh, chỉ còn lại phần nền móng. Hiện, Đại Cung Môn đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu chuẩn bị cho phục dựng.

Công trình phối thuộc của Điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành của Kinh thành Huế còn có Tả Vu và Hữu Vu. Tả Vu là toà nhà dành cho các quan văn, còn Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ; đây là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của cơ mật viện, nơi tổ chức thi đình và yến tiệc. Tả vu và Hữu vu đều được xây dựng vào vào năm Gia Long thứ 18 (1819).

Hiện nay, Tả Vu được dùng để trưng bày hiện vật lịch sử, còn Hữu Vu trở thành nơi khách du lịch đến tham quan và chụp hình.

Bỏ túi bí kíp tham quan Đại Nội Huế
Các phóng viên, biên tập viên của Báo Tuổi trẻ Thủ đô cùng lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử của Đại Nội

Được biết đến là ngôi điện dùng làm nơi thường triều của nhà vua trong Tử Cấm Thành, Điện Cần Chánh được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Đây là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành. Tại đây, nhà Vua tổ chức các buổi lễ thiết triều vào ngày 5,10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, Điện còn là nơi vua tiếp các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi yến tiệc trong dịp khánh hỷ.

Điện được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899, Vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ XX. Điện Cần Chánh bị cháy năm 1947, đến nay kế hoạch phục hồi đang được thực hiện.

Cũng nằm ở khu Tử Cấm Thành còn có Thái Bình Lâu - nơi nhà vua thường ra đọc sách, viết văn hay ngâm thơ lúc rảnh rỗi. Khu vực này được vua Khải Định cho khởi công xây dựng vào năm 1919 và hoàn thành vào năm 1921. Công trình bao gồm tiền sảnh, chính doanh và hậu doanh, được nối liền với nhau bằng hai máng thoát nước.

Thái Bình Lâu (Tử Cấm Thành, Đại Nội Huế) là nơi dành cho nhà vua nghỉ ngơi, đọc sách, vãn cảnh vừa được khánh thành vào sáng 26/3 sau thời gian gần 5 năm bảo tồn, tu bổ tổng thể.

Phần kiến trúc đặc biệt nhất của tòa nhà là chính doanh, ngôi nhà 2 tầng cao 9,55m. Phần mái được lợp bằng ngói âm dương tráng men vàng, tượng trưng cho Ngũ Phúc và hai bên nóc có đắp nổi hình hồi long đầy uy lực.

Tham quan quanh Đại Nội đoàn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, những gì lâu nay được biết đến quả thật không bằng một lần đến thăm và tìm hiều về vùng đất Cố đô. Cuộc sống của vua chúa ngày xưa, cách mà người xưa con người làm việc, bảo vệ quốc gia, quan niệm của người xưa về thiên nhiên về con người... như dần hiện hữu ngay trước mắt.

Ghé thăm mảnh đất Đại Nội Huế
Lối kiến trúc nghệ thuật cung đình độc đáo tại Đại Nội Huế

Đúng như người ta nói: "Trăm nghe không bằng một thấy" hay "đi một ngày đàng học một sàng khôn", sau hành trình nửa ngày dạo quanh Đại Nội Huế, đoàn chúng tôi, đặc biệt là những người trẻ đã thật sự được mở mang tầm mắt khi đến thăm Kinh thành, giúp thu thập được nhiều thông tin bổ ích, đồng thời, mở rộng kiến thức về lịch sử và kiến thức về văn hóa của nước nhà.

Là những nguồi trẻ được sinh ra trong thời kỳ kỷ nguyên số, nhưng khi đến với Huế chúng tôi có một cảm giác ngỡ ngàng khâm phục người xưa biết bao qua lối kiến trúc, cách làm các công trình mang tầm quy mô lớn... Tại đây chúng tôi được tìm về với các giá trị xưa kia của dân tộc ta, giá trị văn hóa trong các hiện vật còn lại.

Điểm đến hấp dẫn du khách thập phương

Tôi nghe người ta nói, Huế buồn và mộng mơ, lặng lẽ và bình yên. Nhưng nếu chỉ nghe hay đọc ở đâu đó về Huế thì chưa thể hình dung và cảm nhận ra được, vì nếu trải nghiệm thực tế rồi mới biết, Huế còn hơn những gì người ta nói.

Đặt chân tới Đại Nội Huế, chúng tôi cũng có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng du khách bốn phương, những người đã ghé Huế và luôn day dứt về cái vẻ đẹp yên bình nơi Cố đô, nơi hoàng hôn đỏ rực buông xuống dòng sông Hương bên cạnh cầu Tràng Tiền và cây hoa phượng đỏ.

Chúng tôi gặp chị Vũ Kiều Oanh (sống tại Hà Nội) ngay tại Cổng Ngọ Môn, chị chia sẻ: "Ai đã vào thăm Huế rồi, ngoài những cảm nhận về thiên nhiên và con người Huế, thì còn có một điều khiến người ta nhớ mãi không quên chính là lịch sử nơi đây. Thăm Kinh thành Huế là cách tuyệt vời nhất để hiểu về lịch sử, nhìn nhận cuộc sống của ông cha ta như thế nào và để rút ra những bài học quý báu từ quá khứ".

Di chuyển bằng xe máy đến Đại Nội Huế, chị Vũ Kiều Oanh cho rằng, với lợi thế nằm ngay gần trung tâm thành phố Huế, nên đường đến Đại Nội Huế rất dễ dàng.

Khám phá vẻ đẹp Kinh thành Huế
Chị Vũ Kiều Oanh chụp ảnh tại Cổng Ngọ Môn, Đại Nội Huế

“Chúng ta có thể lựa chọn đạp xe đạp, thuê xích lô để vừa di chuyển vừa ngắm cảnh, hoặc cũng có thể đi xe máy cho tiện, giá thành hợp lý, lại chủ động hơn khi tham quan Đại Nội Huế và kết hợp các điểm khác trong thành phố Huế. Giá của xích lô dao động từ 30.000 đồng – 50.000 đồng cho một lượt đi vòng quanh khu vực Đại Nội”, chị Oanh chia sẻ.

Tạm gác công việc, xách vali và ghé thăm xứ Huế vào một ngày tháng 6, Đỗ Phương Anh (22 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết, trong những ngày ở Huế, cô bạn không hề dùng Google Map, người dân xứ Huế đều vui vẻ chỉ đường nhiệt tình cho Phương Anh.

"Ghé thăm Huế, tôi cảm nhận được tình yêu thương của con người nơi đây, là người thân hay đơn giản là nơi để mình trở về những khi mệt mỏi nơi Hà Nội tấp nập và bận bịu", Phương Anh thổ lộ.

Huế vốn là chốn kinh đô của 9 đời chúa và 13 đời vua nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Chính về thế, đến Huế là Phương Anh tìm đến Đại Nội Huế. Nơi đây, dẫu ở thời hiện đại vẫn còn những nét phong kiến ngày xưa không dễ phai trong lòng người dân Cố đô. Những mái nhà rêu phong cổ kính cùng với Đại Nội trang nghiêm càng làm cho Huế thêm xưa cũ.

Khám phá vẻ đẹp Kinh thành Huế
Đỗ Phương Anh hòa mình vào nét đẹp của Kinh thành Huế.

Đại Nội Huế sở hữu hơn 100 công trình kiến trúc nguy nga như: Ngọ Môn, Cung Diên Thọ, Tử Cấm Thành, Điện Thái Hòa… Diện tích của khu cả phía trong và ngoài đều rất rộng, vì vậy, nếu muốn có một chuyến đi thong thả, thoải mái để có thể khám phá hết được cảnh đẹp nơi đây, Phương Anh cho rằng nên dành ra cả ngày để có thể khám phá hết vẻ đẹp của công trình.

"Nếu muốn đi cả Đại Nội và các lăng thì nên mua luôn combo ở quầy bán vé, tôi mua combo 4: Đại Nội - Lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng, combo có giá trị trong 2 ngày nên tôi chia ra đi 4 địa điểm trong 2 ngày là hợp lý", Phương Anh cho hay.

Bật mí thêm, Phương Anh nói, đến Đại Nội, du khách nên lấy bản đồ ở quầy bán vé để tránh đi lạc. Khi đi nên trang bị đủ mũ nón, áo dài tay, nước uống, quạt... đồng thời, nên dành thời gian đi buổi sáng sẽ mát mẻ hơn, hoặc đầu giờ chiều, như vậy, mới có đủ thời gian la cà tại đây. Tránh trường hợp dù mua vé tham quan đầy đủ nhưng cũng chưa được đi hết mọi ngóc ngách hay các lăng tẩm trong cung đình vì Đại Nội sẽ đóng cửa lúc 5h chiều, gây lãng phí.

Trước đó, từng đến Huế vào 1 ngày tháng 2, đúng mùa mưa, vì vậy, theo chia sẻ của cô nàng, lý tưởng nhất khi đến Huế du lịch vẫn là vào tháng 4 hoặc tháng 6 của các năm chẵn. Đây là thời điểm diễn ra các hoạt động Festival Huế sôi động với múa rối nhạc nước, thời tiết cũng thoải mái giúp hành trình tham quan trở nên dễ chịu và thú vị hơn.

Đến với Đại Nội, nếu du khách muốn có những concept chụp hình xinh đẹp, độc đáo thì hãy chú ý lựa chọn các trang phục phù hợp vì đây là nơi uy nghiêm, cần tránh mặc các trang phục phản cảm lố lăng, đồng thời, nên lựa chọn giày thể thao trong quá trình di chuyển, hạn chế đi giày cao gót vì rất mỏi và đau chân.

Khám phá vẻ đẹp Kinh thành Huế
Phương Anh chụp ảnh tại Đại Nội Huế

Bên cạnh Đại Nội Huế, đoàn công tác của Đáo Tuổi trẻ Thủ đô còn đến tham quan ngôi chùa nổi danh cổ nhất xứ Huế - Chùa Thiên Mụ, mái chùa cổ trên đồi Hà Khê, bao quanh là rừng thông mát rượi, dưới là dòng sông Hương trong veo, đồng thời cũng được lắng nghe nhiều hơn về huyền thoại gắn liền với việc chọn đất đóng đô của chúa Nguyễn Hoàng qua lời kể của hướng dẫn viên. Vãn cảnh Chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh”, ngày nay được xem là biểu tượng tâm linh và du lịch của người dân Cố đô Huế và cả nước.

Huế nổi tiếng với vẻ đẹp đượm buồn và ấn tượng. Điều đó càng sâu lắng khi màn đêm buông xuống. Đêm của Huế không ồn ào náo nhiệt như ở TP HCM, không lung linh đèn màu như Thủ đô Hà Nội, màn đêm ở nơi đây yên tĩnh và bình lặng đến lạ lùng, ẩn trong mình những dấu xưa thành cổ, những rêu phong của thời gian.

Ban đêm tại Huế, đoàn chúng tôi chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, cũng vì là kinh kỳ đàng trong suốt mấy trăm năm nên Huế cũng hội tụ những món ngon ẩm thực đặc trưng của Huế khiến anh em trong đoàn chẳng thể ngó lơ.

Trong buổi sáng mai thường nhật, ở trên các tuyến phố, cách vài trăm mét lại thấy hàng bún bò nghi ngút khói, người người sà vào để thưởng thức món bún bò chính hiệu. Mỗi tô bún đều có một miếng thịt xườn ninh mềm, một miếng chả cua lớn, vài miếng tiết heo và mấy miếng thịt bò xắt mỏng, vị ngon của tô bún chắc hẳn khó có thể tìm thấy ở bất kỳ vùng miền nào khác.

Nhưng có lẽ, thứ người ta thích nhất nơi đây vẫn là cái lặng trong cái tĩnh, lại càng tĩnh hơn. Không chỉ vậy, Huế còn thật đẹp bởi không gian bình yên, xưa cũ, lòng hiếu khách đậm đà của người dân.

Nhịp sống các đô thị luôn phát triển nhanh, những văn hóa xưa cũ sẽ nhường ngôi cho các giá trị hiện đại. Nhưng, Huế vẫn luôn như thế, trong cuộc sống đô thị hóa vội vã, Huế vẫn an nhiên. Khi tới đây, ai ai cũng tìm được những khoảng tĩnh lặng mà hiếm nơi đâu có được và cũng chỉ khi giữ được những giá trị như vậy, Huế mới là Huế.

Kết thúc những ngày công tác tại Huế, trong mỗi người phóng viên của đoàn Báo Tuổi trẻ Thủ đô đều để lại ấn tượng tốt đẹp về một Huế thơ mộng, một Huế di sản, một Huế khát vọng, mong rằng những kỷ niệm đẹp sẽ phát huy những tình thần tích cực, nhân văn trong mỗi người chúng ta....

Giá vé hiện nay của Đại Nội Huế:

Người lớn: 200.000 đồng/người

Trẻ em: 40.000/người (từ 7 đến 12 tuổi)

Trẻ dưới 6 tuổi: miễn phí

Các gói vé tham quan Đại Nội Huế:

Tuyến 3 điểm: Đại Nội Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Khải Định: 420.000 đồng/người lớn; 80.000 đồng/trẻ em

Tuyến 3 điểm: Đại Nội Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Tự Đức: 420.000 đồng/người lớn; 80.000 đồng/trẻ em

Tuyến 4 điểm: Đại Nội Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Tự Đức - Lăng vua Khải Định: 530.000 đồng/người lớn; 100.000 đồng/trẻ em

Quỳnh Giang
Phiên bản di động