Kế hoạch giảm chi, tiết kiệm khiến nhiều người trẻ trở nên “ì ạch” hơn

Nhiều người trẻ sống tại các thành phố lớn đang tìm mọi cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong giai đoạn bão giá. Tuy nhiên, việc làm theo một số phương pháp không mang lại hiệu quả hay do nhiều vấn đề khác trong cuộc sống khiến không ít trong số họ từ bỏ mục tiêu tiết kiệm, quay lại với lối sống trước đây hoặc thậm chí trở nên mệt mỏi, căng thẳng hơn...
Chủ tịch Quốc hội: Tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong thanh thiếu niên “Sử dụng phân bón tiết kiệm - cân đối - hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững”

Hiệu quả tỉ lệ nghịch với công sức

Sau 2 tháng liên tiếp “thắt lưng buộc bụng”, Trần Ngọc Thạch (26 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) phải “mở túi” trở lại. Kế hoạch tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu khiến chàng trai trẻ luôn lo lắng mỗi khi xài tiền, các mối quan hệ xã hội thì đi xuống.

Từ khi bắt đầu kế hoạch tiết kiệm, chàng trai 26 tuổi luôn cảm thấy cuộc sống mệt mỏi hơn, hiệu quả lại tỷ lệ nghịch với công sức. Điều này đến từ việc anh đột ngột cắt hẳn một nửa chi phí sinh hoạt hàng tháng trong bối cảnh “bão giá”.

Với mức lương gần 20 triệu đồng mỗi tháng, Thạch cho biết trước đây anh chi tiêu khá thoải mái, kể cả việc mua sắm, ăn uống không hề gò bó. Mỗi tháng, chàng trai gửi về gia đình 3 triệu đồng, số còn lại trang trải cho hóa đơn điện nước và nhu cầu cá nhân.

Vào thời điểm giá cả tăng cao, câu chuyện tiết kiệm được đặt lên bàn cân ở khắp nơi, Thạch cũng nghe đồng nghiệp trong cơ quan thảo luận sôi nổi về các cách siết chặt túi tiền. Được mọi người mách mẹo, anh liền áp dụng theo với hy vọng có thể “tồn tại” qua “mùa bão”.

“Người thì giảm một vài sở thích, thú vui, người thì cắt luôn tụ tập, gặp mặt bên ngoài. Có người còn khuyên mình nấu đồ ăn sáng ở nhà vì rẻ hơn ngoài quán. Mình cũng thử mua đồ về tập nấu. Cuộc sống một mình ở thành phố lớn khiến mình không thể không cân nhắc những lời khuyên của đồng nghiệp”, Thạch nói.

Kế hoạch giảm chi, tiết kiệm khiến nhiều người trẻ trở nên “ì ạch” hơn
Ngọc Thạch thay đổi hoàn toàn lối sống vì kế hoạch tiết kiệm thời bão giá

Bắt tay vào thực hiện, mục tiêu của anh là mỗi tháng để dành được 50% thu nhập tùy ý, nghĩa là anh chỉ được phép chi trong mức 7 - 8 triệu đồng. Chàng trai trẻ bắt đầu từ chối những cuộc hẹn với bạn bè, bỏ hẳn các buổi nhậu nhẹt và thói quen mua sắm. Đây là những thứ anh cho là không cần thiết.

Mỗi khi đi chợ, Thạch thường xuyên so sánh giá cả của nhiều mặt hàng để mua được thứ rẻ nhất. Những điều này hoàn toàn trái ngược so với lối sống trước đây của chàng trai 26 tuổi.

“8h vào làm thì 5h30 mình đã dậy để chuẩn bị đồ ăn sáng và bữa trưa mang đi. Đến hiện tại, mình vẫn chưa quen với nhịp sinh hoạt này. Ngoài phải dậy sớm hơn khiến cơ thể lừ đừ, thiếu ngủ cả ngày, mình thấy nấu ở nhà cũng không tiết kiệm hơn là bao. Trước đây mình tốn 2 triệu/tháng ăn ngoài thì giờ tiền đi chợ cũng chiếm xấp xỉ nhiêu đó nếu muốn bữa ăn chất lượng, đổi món liên tục”, anh chia sẻ.

Ngoài ra, việc từ bỏ những thú vui cũng khiến tinh thần của Thạch đi xuống rõ rệt, không còn năng động như trước.

“Thời điểm đó, mình luôn lo lắng mình sẽ “vung tay” chi tiêu quá đà. Bạn bè rủ vài lần không được nên cũng dần dần tách mình ra khỏi những cuộc vui. Cắt giảm khoản chi cho các thực phẩm có lợi cho sức khỏe và bỏ tập thể dục còn khiến cơ thể mình tăng cân nhanh chóng, ì ạch hơn trước đây”, Ngọc Thạch bày tỏ.

Tinh thần đi xuống

Tương tự Ngọc Thạch, Thùy Trang (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chung tâm trạng sau nhiều tháng “thắt lưng buộc bụng”. Trong đợt sale vừa qua, cô gái trẻ đã hủy đặt mua chiếc váy yêu thích vì có giá lên tới 1 triệu đồng. Khi xem lại giỏ hàng, cô ước mình có thể bỏ thêm vài món đã thanh toán.

Từ 3 tháng trước, khi giá xăng kéo theo loạt hàng hóa tăng giá, Thùy Trang lo sợ tình hình này sẽ đe dọa đến kế hoạch tiết kiệm của bản thân. Cô tìm cách siết chặt chi tiêu hơn nữa.

“Mình luôn đứng giữa 2 trạng thái khi mua sắm: không mua thì tiếc, sợ bỏ lỡ giá tốt và tự dằn vặt nếu lỡ tiêu tiền. Sau đó, mình nghiêng về lựa chọn thứ 2 nhiều hơn. Việc này khiến mình khổ sở, không dám tự thưởng cho bản thân món đồ yêu thích”, nữ nhân viên tư vấn chăm sóc sức khỏe chia sẻ.

Kế hoạch giảm chi, tiết kiệm khiến nhiều người trẻ trở nên “ì ạch” hơn
Dù vẫn thực hiện được kế hoạch tiết kiệm, Thùy Trang cảm thấy mệt mỏi hơn vì luôn phải đưa ra những cân nhắc, lựa chọn

Cô gái 25 tuổi bắt đầu cuộc sống tự lập từ 3 năm trước sau khi kiếm được công việc ổn định dù gia đình cô cũng sống tại Hà Nội. Với thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng, Thùy Trang không quá lo lắng về cái ăn, cái mặc. Mọi thứ vẫn ổn cho đến khi lạm phát bùng nổ, giá cả leo thang khiến cô không thể không nghĩ đến chuyện “nâng lên, đặt xuống” những khoản chi tiêu trong nhà.

Ngoài các mục cố định như hóa đơn điện nước, tiền nhà, Trang cho rằng cần phải thắt chặt khoản chi cho ăn uống, mua sắm. Tuy nhiên, dù tính toán kỹ lưỡng đến thế nào, cô gái trẻ nhận thấy khuyết điểm lớn nhất vẫn là độ chi tiết và chính xác của kế hoạch.

“Luôn luôn có những thứ cần tiêu tiền lúc khẩn cấp, vì thế, độ chênh lệch so với con số dự kiến là khoảng 5 -10%. Hiện tại, mình đã tiết kiệm được gần 50% mục tiêu đề ra. Việc dành dụm vẫn đạt hiệu quả, chỉ có điều nó khiến mình thực sự mệt mỏi vì phải đưa ra lựa chọn”, Thùy Trang bày tỏ.

Với Hải Yến (29 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), việc thực hiện thành công kế hoạch tiết kiệm càng trở nên khó khăn khi có con nhỏ.

Mặc dù có thu nhập dao động 15 - 20 triệu đồng/tháng, người mẹ trẻ gần như luôn chi hết cho sinh hoạt của gia đình, từ tiền ăn nộp cho bố mẹ, bỉm sữa, quần áo, vui chơi cho con, mua sắm cá nhân, phát sinh sinh nhật, cưới hỏi, về quê, đi du lịch… mỗi tháng một kiểu.

Kế hoạch giảm chi, tiết kiệm khiến nhiều người trẻ trở nên “ì ạch” hơn
Nhiều người trẻ đã bỏ cuộc khi không có kế hoạch tiết kiệm đúng đắn

Vì luôn có ý định kiểm soát chi tiêu, Hải Yến vẫn gửi vào tài khoản tiết kiệm khi chồng đưa tiền hàng tháng. Tuy nhiên, khoản này hiếm khi còn nguyên vẹn do có việc lại phải rút ra lo liệu.

“Việc phải cân đo đong đếm các khoản phí sinh hoạt khiến mình thấy mệt mỏi và mất kiên nhẫn. Nhiều khi, lập bảng chi tiêu nhưng hôm nhớ ghi hôm quên. Mình không tiết kiệm nổi vì tính cũng tiêu hoang, hay mua đồ vì thích hơn là cần. Có lúc mình bị dằn vặt vì trót sắm sửa gì đó nhưng nhịn cho mình được thì lại mua cho con”, cô cho biết.

Đôi khi, để kiềm chế việc chi tiêu không cần thiết, Hải Yến thường quy đổi giá trị ra tiền mua sữa cho con để thấy tiếc và từ bỏ ý định.

“Mình nhận ra tiết kiệm giúp bản thân an tâm nhưng phải đúng cách thì mới đi đường dài được”, Hải Yến khẳng định.

Trung Đức
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động