Huy động tất cả các nguồn để không thiếu điện lúc cao điểm nắng nóng
Tiêu thụ điện kỷ lục, huy động từ năng lượng tái tạo chỉ chiếm 15,1% Thường trực Chính phủ: Khuyến khích bán điện mặt trời mái nhà nhưng có điều kiện |
Đây là một trong những nội dung quan trọng được ra tại Nghị quyết số 65/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm và tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" đã đề ra tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024; phát huy những kết quả đạt được; chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, kịp thời hơn nữa trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Chính phủ nhấn mạnh kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; giữ vững bản lĩnh, kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Ảnh minh họa. |
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; sẵn sàng phương án cung ứng, huy động tất cả các nguồn điện có thể, chủ động trong trường hợp cần thiết để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, nhất là thời gian cao điểm nắng nóng; triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, sớm đưa vào vận hành, khai thác.
Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực; làm tốt công tác phân tích, dự báo; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các vấn đề mới phát sinh.
Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân. Có giải pháp khơi thông gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng; xử lý hiệu quả nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém, các ngân hàng kiểm soát đặc biệt để góp phần bảo đảm sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách Nhà nước; triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, khai thác các nguồn thu còn dư địa; tiếp tục duy trì, phát huy kết quả đạt được trong việc thực hiện các quy định về hóa đơn điện tử; phấn đấu tăng thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 4/2024, nhu cầu điện tăng rất cao do kinh tế tiếp tục hồi phục, đồng thời nắng nóng gay gắt diện rộng diễn ra tại cả 3 miền. Theo đó, công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới với công suất cực đại lên tới 47.670MW (ngày 27/4/2024) và sản lượng tiêu thụ ngày cao nhất đạt 993 triệu kWh (ngày 26/4/2024). Trong bối cảnh đó, EVN đã điều hành các nguồn điện, trong đó huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện than, khí, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc và huy động các nhà máy thủy điện phù hợp theo tình thuỷ văn, nước về các hồ nhằm giữ nước để đảm bảo cung cấp điện đến cuối mùa khô 2024. Tháng 4/2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 26,82 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 96,16 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng và tỷ trọng huy động từ thủy điện là 14,41 tỷ kWh, chiếm 15% nguồn điện toàn hệ thống; nhiệt điện than đạt 56,89 tỷ kWh, chiếm 59,2%; tua bin khí 8,52 tỷ kWh, chiếm 8,9%; năng lượng tái tạo 14,55 tỷ kWh, chiếm 15,1% (trong đó điện mặt trời đạt 9,26 tỷ kWh, điện gió đạt 4,78 tỷ kWh); điện nhập khẩu 1,56 tỷ kWh, chiếm 1,6%. Trong khi đó, sản lượng điện truyền tải tháng 4/2024 đạt 22,5 tỷ kWh. Lũy kế 4 tháng năm 2024, sản lượng điện truyền tải đạt 76,9 tỷ kWh, tăng 13,52% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo trong tháng 5/2024, áp thấp nóng phía Tây tiếp tục hoạt động mạnh nên ở khu vực Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xuất hiện nhiều ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Khu vực Tây Nguyên - Nam bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt, tập trung trong 20 ngày đầu tháng. Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,5-2,50C. Do đó, nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng cao với sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 913,6 triệu kWh/ngày, tăng 12,24% so với cùng kỳ, công suất cực đại có thể lên tới 49.000MW, riêng miền Bắc có thể lên đến 24.500MW. |