Cập nhật sức khỏe 2 bệnh nhân Covid-19 đang thở máy Bác của bệnh nhân N17 nhiễm Covid–19 diễn biến nặng, phải thở máy |
Ngày 7/3, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh tiếp nhận "bệnh nhân 20", 64 tuổi, ở Trúc Bạch, Hà Nội, tiền sử rối loạn tiền đình. Bà nhanh chóng được sắp xếp trong khu vực cách ly và bắt đầu điều trị Covid-19.
Bảy ngày điều trị đầu tiên, bà ổn định sức khỏe, tự đi lại, tắm giặt và ăn uống bình thường. Bước sang ngày thứ tám, bệnh tình của bà đột ngột diễn biến xấu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, vẫn nhớ như in bệnh nhân bị khó thở tăng dần vào buổi chiều, tới 22h đêm thì suy hô hấp. Tình trạng suy hô hấp diễn biến rất nhanh, đến đêm đã xấu nghiêm trọng, phải lập tức đặt ống nội khí quản, cho thở máy và lọc máu, sau đó chuyển tới khoa Hồi sức tích cực.
"Bệnh nhân 20" phụ thuộc vào hệ thống ECMO từ ngày 19/3 tới 4/4. Ảnh: Phú Khiêm. |
Khi ấy, các bác sĩ chưa biết nhiều về diễn biến bệnh Covid-19.
"Sau này chúng tôi mới biết Covid-19 có thể diễn biến nặng và nhanh chỉ sau một vài tiếng, vào khoảng ngày thứ 8 đến ngày thứ 10 ủ bệnh. Các ca sau đó, chúng tôi xử trí bình tĩnh hơn", bác sĩ Cấp nói.
Ngày 15/3, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, suy hô hấp tiến triển nặng không thể duy trì sự sống bằng các biện pháp thở máy tối ưu. Nhóm điều trị báo cáo tình hình đến Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế và nhận chỉ định can thiệp ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Ê kip bác sĩ tinh nhuệ nhất được huy động để thực hiện ECMO. "Chỉ trong vòng khoảng 30 phút chúng tôi hoàn thành thiết lập hệ thống ECMO cho bệnh nhân", bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, nhớ lại. Khi tình trạng bệnh nhân tạm thời ổn định hơn, cả ê kip mới thở phào nhẹ nhõm, tay chân run rẩy bước ra ngoài.
Những ngày tiếp theo, thêm bốn bệnh nhân nặng được chuyển về khoa. Y bác sĩ chia nhau túc trực, ngồi cứng trên chiếc ghế chẳng mấy êm ái để theo dõi các chỉ số trên màn hình, trong căn phòng điều trị hạn chế người ra vào, chỉ có tiếng máy hoạt động.
"Phải luôn có người theo dõi bệnh nhân ở trong phòng, kịp thời phát hiện các tình huống bất ngờ", bác sĩ Trần Văn Kiên, khoa Hồi sức tích cực, nói.
Mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, tua trực có bốn điều dưỡng và một bác sĩ. Họ thay nhau ăn, ngủ, đi vệ sinh, làm quen sự bí bách khi phải mặc thêm một lớp bảo hộ kín mít. Có người đeo khẩu trang N95 quá lâu đến nỗi bị loét da mặt, chảy máu ở sống mũi và hai bên má. Các y bác sĩ bàn nhau, nghĩ ra biện pháp mua đệm mút lót vào mép khẩu trang để tiếp tục làm việc lâu dài.
Điều dưỡng chăm sóc cho "bệnh nhân 20" ngày 14/5. Ảnh: Thế Quỳnh. |
Sau 17 ngày can thiệp, tình trạng của bà khá hơn nhiều lần, được cai ECMO. "Lúc đấy, anh em mừng lắm. Mọi người đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, vì rút được ECMO là đã đi được khoảng 60-70% chặng đường rồi", bác sĩ Khiêm nói.
Nhưng niềm vui ấy không kéo dài. Đêm 7/4, bà đột ngột ngừng tim. Bác sĩ trực trong phòng phát hiện các chỉ số của bệnh nhân bất thường, đã thông báo cho đồng nghiệp.
Đêm ấy, bác sĩ Khiêm không trực vì được nghỉ ngơi sau 12 tiếng làm việc liên tục. Nhưng tình trạng bệnh nhân còn rất xấu nên anh dành chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để không ngừng lục lọi thêm tài liệu để nghiên cứu, tìm cách điều trị hiệu quả.
0h40 sáng 8/4, từ trưởng khoa tới bác sĩ đang trực chiến ngoài phòng hồi sức, toàn bộ xông vào phòng hồi sức để cấp cứu. Bệnh viện xin ý kiến hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế.
30 phút hồi sức câp cứu, tình trạng bệnh nhân không cải thiện. Sợ rằng sẽ thua tính mạng bệnh nhân vào tay tử thần, bác sĩ Khiêm và nhóm đang nghỉ ngơi sau ca trực cũng được huy động.
Trong hơn 40 phút, nhóm bác sĩ và điều dưỡng sốc điện cho bà ba lần, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bác sĩ trưởng khoa và sự góp ý của Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế. Tám người, gồm bốn bác sĩ và bốn điều dưỡng thay nhau ép tim bằng tay, vừa đảm bảo duy trì nhịp ép khoảng 100-120 nhịp một phút, vừa tìm hiểu và xử trí nguyên nhân gây ngừng tim. Họ gồng mình lên. Nếu ép sai kỹ thuật, bệnh nhân không có tuần hoàn hoặc cấp cứu không có ý nghĩa.
"Mãi mà bệnh nhân không có đáp ứng, chúng tôi đã tuyệt vọng. Trước đó rất nhiều lần cấp cứu bệnh nhân nặng rồi, tỷ lệ thành công không cao", bác sĩ Kiên cho biết. Họ gọi sẵn người nhà tới trao đổi.
May mắn, biện pháp cấp cứu có hiệu quả. Bà có nhịp tim trở lại, lúc này nhóm cấp cứu cũng đã bơ phờ. Song, không ai dám ngủ vì lo lắng bệnh nhân sẽ tiếp tục xảy ra biến cố.
40 phút cấp cứu ám ảnh bác sĩ Khiêm tới tận bây giờ: "Cấp cứu như vậy khủng khiếp lắm. Có lần đi ngang qua phòng hành chính thấy anh em xem lại đoạn video ghi cảnh lúc đó để rút kinh nghiệm, vẫn cảm thấy run rẩy tưởng như phải ép tim cho bà một lần nữa".
Lần ngừng tim đó cũng khiến cho công sức điều trị gần một tháng gần như đổ sông đổ bể. Bệnh nhân bị tổn thương nhiều cơ quan, tình trạng suy tim nặng hơn, nhiễm trùng tăng lên, tổn thương phổi đã khá hơn nay lại xấu đi. Hội đồng chuyên môn cân nhắc đặt ECMO trở lại.
"Coi như lúc đấy phải làm lại từ đầu", bác sĩ Khiêm nói.
Thêm hơn một tháng ròng tiếp tục điều trị, tới ngày 15/5, bệnh nhân đã ổn định và rút được ống thở, có thể tập đi lại. "Với bác sĩ như vậy không gì tuyệt vời hơn", bác sĩ Khiêm nói.
Nhóm bác sĩ vẫn chưa hết lo lắng cho bà và sẽ tiếp tục cải thiện những vấn đề trong chăm sóc để bệnh nhân mau hồi phục, được xuất viện.