Học sinh nghỉ học bất thường tại huyện Mê Linh: Ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền trẻ em
| |
Giờ ra chơi của học sinh trường Tiểu học Thanh Lâm A, huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng |
Hơn 1.000 học sinh nghỉ học ở huyện Mê Linh: Vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em |
Phép vua thua… lệ làng
Theo ghi nhận của phóng viên, so với ngày 14/11 – thời điểm xảy ra sự việc học sinh nghỉ học bất thường, số lượng các em đi học trở lại trong tuần qua đã tăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều em không đến trường, nhất là tại 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS thuộc xã Tam Đồng. Trao đổi với giáo viên một số nhà trường được biết, nhiều học sinh nghỉ học có kèm theo đơn xin “nghỉ ốm”. Tuy nhiên, thực tế nguyên nhân không phải như vậy. Trong những ngày các cháu nghỉ học, có hiện tượng một số người dân chặn các ngả đường, không cho học sinh đến trường. Cá biệt có trường hợp tự ý vào tận lớp học yêu cầu các học sinh phải nghỉ học. Nguyên nhân là bởi một bộ phận người dân không đồng tình với việc triển khai Dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước.
Liên quan đến việc một số người dân cho con em nghỉ học để phản đối dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước, bên lề hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 23/11, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho biết, theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, sáng 23/11, người dân đã cho con em đi học trở lại, ở các trường học còn vắng 213 học sinh. “Việc đưa học sinh đến trường là nghĩa vụ, trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Chúng tôi cũng phân công giáo viên chủ nhiệm đến từng hộ gia đình để vận động bà con. Nếu vẫn còn vướng mắc cá nhân tôi sẽ tiếp tục gặp gỡ bà con" - ông Hồng cho biết. (Thủy Tiên) |
Một số người khi được hỏi cũng chia sẻ, dù biết việc không đến trường sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức của các cháu, nhất là khi học kỳ I đang đến giai đoạn thi cử rất quan trọng. Tuy nhiên, “dân làng bảo làm sao thì phải nghe vậy, sống cùng làng xóm, không thể một mình một ý…”.Khi chúng tôi đề cập tới việc không cho trẻ đến trường bên cạnh việc ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ, còn vi phạm quy định pháp luật về quyền trẻ em, không ít người cho biết họ hiểu điều đó, tuy nhiên không thể làm khác. Sở dĩ vậy là bởi “sống cùng làng cùng xóm, không thể không theo ý kiến chung…”? Ông N.V.T ở thôn Phú Hữu (xã Thanh Lâm) cho hay, mấy ngày qua, ông phải một tay chăm sóc cho hai cháu ngoại, một cháu 5 tuổi, một cháu 2 tuổi. “Ngày thường bố mẹ cháu đi làm, gửi các cháu đi học ở trường Mầm non Thanh Lâm A. Nhưng gần một tuần nay, hai cháu phải ở nhà” – ông T. cho hay.
Bảo vệ quyền lợi cho trẻ em
Dù số lượng học sinh nghỉ học có chiều hướng giảm, tuy nhiên diễn biến thời gian tới được cho là còn phức tạp. Chính vì vậy, huyện Mê Linh đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền trẻ em. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, huyện đang tiếp tục quán triệt các trường học trên địa bàn hai xã Tam Đồng, Thanh Lâm thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền trẻ em như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Giáo dục; Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em…
Huyện Mê Linh cũng đã phân công lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên phối hợp với ban giám hiệu các nhà trường xuống từng nhà dân để vận động phụ huynh cho con em đến trường. Đồng thời, giao Công an huyện có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi xúi giục, kích động, ngăn cản phụ huynh đưa con em đến trường.
Thiết nghĩ, việc phụ huynh không cho trẻ đến trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, đạo đức của học sinh và vi phạm quyền trẻ em. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần thực sự công tâm và minh bạch trong ứng xử trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định pháp luật. Điều quan trọng nhất là không để bị lợi dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được đến trường của con em, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 8/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2050. Theo đó, sẽ mở rộng, cải tạo nghĩa trang Thanh Tước thành công viên nghĩa trang. Trên cơ sở định hướng được Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội đã giao DN triển khai Dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước. Dự án phù hợp với các quy hoạch của Chính phủ, TP Hà Nội và huyện Mê Linh. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã có báo cáo tác động môi trường, bảo đảm “khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường” theo quy định của Bộ Xây dựng và đặc biệt là “không có hạng mục hỏa táng”. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội) cho rằng, việc các hộ gia đình tự ý, cố ý, cố tình cho các con, cháu nghỉ học không có lý do chính đáng (không phải nhà trường cho học sinh nghỉ học, cũng không phải do các con ốm đau, bệnh tật…) là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quyền hợp pháp của trẻ em/học sinh. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em/học sinh. (Hồng Thái) |