Hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều giải pháp chưa có tiền lệ

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ...

Chiều 29/2, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 - 2024.

Nhiều giải pháp hỗ trợ với giá trị lớn và chưa có tiền lệ

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam.

Trong 5 năm qua, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và những bất lợi của kinh tế thế giới nhưng đóng góp vào số thu ngân sách Nhà nước của cả nước từ các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tăng qua các năm và chiếm 11% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp FDI; chiếm 3% tổng thu ngân sách của cả nước.

Nhờ sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế duy trì xu hướng phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát theo đúng mục tiêu…

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ, với tinh thần, nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trong và ngoài nước gặp nhiều biến động, hàng năm, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản liên quan đến các vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam gửi đến.

Nhiều vấn đề đã được Bộ Tài chính phối hợp trao đổi, tham vấn ý kiến và nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp FDI trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc gồm: hoàn thuế giá trị gia tăng, thủ tục hóa đơn chứng từ về thuế tại khu chế xuất, ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp...

Kể từ Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tổng hợp 22 nội dung vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và đã có giải đáp cụ thể cho các doanh nghiệp. Đối với các nội dung vướng mắc tại hội nghị mà chưa rõ, Bộ Tài chính đã đề nghị doanh nghiệp Hàn Quốc có vướng mắc gửi bổ sung tài liệu gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp và xử lý cụ thể.

Hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều giải pháp chưa có tiền lệ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn.

Hàng năm, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp hiện đang có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có số lượng không nhỏ các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia.

Qua đó, Bộ Tài chính cũng đã kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp; lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục về thuế và hải quan đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm.

Đặc biệt, thời gian qua, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 và tác động tiêu cực của của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các giải pháp về gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất, cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách Nhà nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều giải pháp chưa có tiền lệ
Quang cảnh hội nghị.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Trước mắt trong năm 2024 dự kiến trình Quốc hội 3 dự án luật quan trọng gồm: Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Trong đó sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng chịu thuế/không chịu thuế, quy định về giá tính thuế, thuế suất,... theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, điều tiết thu nhập hợp lý, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, hạn chế gian lận, trốn thuế; đồng thời điều tiết tiêu dùng phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo vệ môi trường theo đúng chủ trương, đường lối và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Để công tác xây dựng, sửa đổi các chính sách thuế cũng như việc thực thi các chính sách thuế, hải quan thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, Bộ Tài chính hy vọng tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ trưởng cũng mong muốn cùng với các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp Hàn Quốc chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng, đủ các quy định về pháp luật thuế, hải quan, tiếp tục góp phần vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Hậu Lộc
Phiên bản di động