Hỗ trợ doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề gốc rễ thay vì xử lý hiện tượng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng...
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trong tháng đầu năm 2024 Cử tri phản ánh chính sách tiền tệ gây khó cho doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh COVID-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới.

"Do đó, với sức khoẻ còn yếu thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn. Để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng", ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và thiết thực hơn thì cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược.

Hỗ trợ doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề gốc rễ thay vì xử lý hiện tượng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thứ nhất, Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đó, Chính phủ cần rà soát tổng thể các chính sách về thuế hiện hành, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi thuế và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát chính sách tín dụng nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành…

Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)…; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng, đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Hậu Lộc
Phiên bản di động