Hết tiền đầu năm vì ăn uống, nhậu nhẹt liên miên
GenZ đi xem bói đầu năm: Đừng để tiền mất tật mang Đầu năm, du xuân trảy hội đền Trần Giới trẻ háo hức xin chữ đầu năm, lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống |
Tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi"
Thứ 2 ăn trưa với đối tác, thứ 4 ăn tối với đồng nghiệp, thứ 5 gặp bạn thân, thứ 6 dự tiệc rượu, chủ nhật đi cắm trại… là những điều mà Hạnh Huyền (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) vừa tổng kết lại sau những tuần đầu tiên đi làm trở lại từ kỳ nghỉ Tết.
Trước đó, cô gái trẻ cũng đã phải từ chối nhiều lời mời hoặc xin dời qua ngày khác vì không còn chỗ trống trong lịch cá nhân. Do tính chất công việc bận rộn, Vân Anh phải sắp xếp các buổi hẹn vào khung giờ trưa hoặc tối.
“Thời gian nghỉ Tết giới hạn, mình vẫn còn một số bạn bè thân thiết chưa kịp gặp nên tranh thủ dành chút thời gian cho họ. Các cuộc gặp trong tuần đầu đa số liên quan đến chỗ làm hoặc mối quan hệ rất quan trọng, vì vậy mình cũng không tiện từ chối. Tuy nhiên, điều này vô tình đang khiến mình phải “dốc ví” nhiều hơn”, Hạnh Huyền chia sẻ.
Nguyễn Trang vẫn "thả trôi" bản thân sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán |
Tương tự, dù Tết Âm lịch đã trôi qua hơn 3 tuần, Nguyễn Trang (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vẫn chưa thể quay lại guồng quay của công việc.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Đây là tâm lý chung của nhiều người nên công ty mình vẫn chưa hoàn toàn lấy lại nhịp làm việc như cũ. Đến văn phòng, nếu không gọi đồ ăn về tụ tập đánh bài, hàn huyên thì xin về sớm để đi nhậu. Sếp cũng “thả lỏng” cho mọi người trong thời gian này vì phải đến đầu tháng 3 chúng mình mới có dự án mới”, Trang nói.
Ngoài những bữa ăn uống với đồng nghiệp, Nguyễn Trang cũng nhận được lời mời từ nhiều bạn bè, các nhóm chơi khác. Là người khá thoải mái trong chuyện tiệc tùng, nữ nhân viên văn phòng gần như không vắng mặt ở bất kỳ cuộc vui nào. Tính ra, từ Tết đến giờ, cô gái trẻ đã góp mặt khoảng tới gần 20 cuộc hẹn. Mỗi buổi tiêu tốn từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
“Trước Tết, công ty không tổ chức year end party (tiệc cuối năm) do nhiều người phải về quê sớm. Mặt khác, công ty mình làm cũng không có ngân sách cho việc chiêu đãi tân niên. Vì thế, sau kỳ nghỉ, mọi người muốn gộp cả 2 lại làm chung một lần”, Trang chia sẻ.
Tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi" đang là tình trạng chung của không ít người trẻ |
Cô gái 25 tuổi cho biết thêm rằng lý do các bữa họp mặt diễn ra liên tiếp nhau trong những tuần đầu năm chủ yếu với mục đích lên “dây cót” tinh thần và nhanh chóng trở lại với công việc trong thời gian tới.
Đầu năm lo… hết tiền
Dù nhận lương thưởng năm nay cao hơn so với mọi năm nhưng mùa lễ hội và các buổi tụ tập đầu năm đã tiêu tốn của Hải Yến (24 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) quá 2/3 số tiền thưởng và lương.
Chưa đi hết tháng Giêng nhưng tài khoản ngân hàng của cô gái trẻ đã ở mức "báo động". "Đáng sợ hơn nữa là còn gần cả tháng nữa mới tới kỳ lương tiếp theo. Mình vẫn còn tiền nhà chưa trả và một số khoản chi tiêu không thể cắt giảm khác", Hải Yến nói
Hải Yến cũng cho biết trong những tuần đầu trở lại văn phòng sau Tết Nguyên đán, không ngày nào cô tự nấu nướng, ăn cơm ở nhà. Sau giờ làm, cô luôn bận rộn với các cuộc hẹn cùng đồng nghiệp, người quen, bạn bè.
Trần Phương có cho mình kế hoạch riêng để cân đối chi tiêu |
"Rất khó để từ chối vì toàn là những người thân quen. Đầu năm ai cũng muốn gặp gỡ để trò chuyện, duy trì mối quan hệ nên mình không nỡ bỏ qua những lời mời đó", Hải Yến chia sẻ.
Cùng chung “cảnh ngộ”, Trần Đức (26 tuổi) thường xuyên được người quen rủ đi ăn tân niên, uống cà phê. Tuy vậy, Đức chia sẻ rằng không phải cuộc hẹn nào anh cũng đồng ý để tránh rơi vào tình trạng "cháy túi" những ngày đầu năm.
Chàng trai 26 tuổi cho biết sau kỳ nghỉ, công việc hiện giờ đã bắt đầu nhiều lên lại từng ngày. Vì vậy, công ty anh chủ trương hạn chế tiệc tùng và cho nhân viên nghỉ để vừa tiết kiệm, vừa để nhân sự tập trung vào công việc.
"Những năm trước, do quá áp lực phải tụ tập, tham gia các sự kiện nên mình cũng từng gặp khó khăn tiền bạc giai đoạn đầu năm. Vài năm gần đây, mình rút kinh nghiệm, cố gắng tập trung vào công việc ngay sau kỳ nghỉ", Đức chia sẻ.
Không chỉ tiêu tốn tiền bạc, ảnh hưởng tinh thần làm việc, Trần Phương (kinh doanh tự do) còn lo lắng tâm lý "tháng giêng là tháng ăn chơi" cùng những cuộc tụ tập triền miên còn gây xáo trộn kế hoạch giảm cân của mình.
Nhiều người phải tính toán kỹ lưỡng cho các khoản chi đầu năm để đảm bảo không "cạn túi" |
Vì vậy, những ngày gần đây, cô cố gắng hạn chế các bữa tiệc linh đình, đồ uống có cồn và món ăn chiên xào. Thay vào đó, khi gặp gỡ bạn bè, Phương luôn đề xuất chọn quán đồ chay hoặc làm tiệc tại gia. Đây cũng là cách giúp cô gái trẻ tiết kiệm kha khá chi phí trong mỗi dịp tụ họp.
“Sau Tết, tâm lý đón xuân vẫn còn, các buổi gặp gỡ diễn ra triền miên là chuyện bình thường. Đa phần, mình sẽ ưu tiên lịch trình của mình trước, chỉ đồng ý với những cuộc hẹn cần thiết. Nếu hôm sau có việc quan trọng, mình cũng tranh thủ về sớm, không để tình trạng uể oải gây ảnh hưởng đến công việc”, Trần Phương chia sẻ thêm.