Đầu năm, du xuân trảy hội đền Trần

Lễ hội đền Trần đã trở thành nét văn hóa tâm linh của người dân bởi những nghi thức độc đáo và các trò chơi dân gian đặc sắc đã tồn tại từ thời nhà Trần và được Nhân dân địa phương lưu giữ đến ngày nay.
Thái Bình: Sẵn sàng khai mạc Lễ hội đền Trần năm 2023 Khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần Những nghi lễ dân gian đặc sắc chỉ có ở Lễ hội đền Trần Thái Bình 200 nghệ sĩ, diễn viên tham dự chương trình “Hào khí Đông A” Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình năm 2023: Nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị vua triều Trần

Ly kỳ truyền thuyết mộ tổ vương triều Trần

Đền Trần Thái Bình nằm tại địa bàn thôn Tam Thượng, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, nơi phát tích và lập nghiệp của tổ tiên nhà Trần.

Dưới thời nhà Trần trị vì, Đại Việt đã nhiều lần đập tan các cuộc xâm lăng đặc biệt là chiến công ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông hung hãn xâm lược bờ cõi.

Vùng đất Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) ngay từ đầu thế kỷ thứ XIII đã được nhà Trần chọn làm nơi dựng nghiệp. Nơi đây không chỉ là nơi giữ gìn long mạch giúp vương triều Trần hưng vượng mà còn là hậu cứ hiểm yếu luyện binh khiển tướng, tích lũy lương thảo, chế tạo vũ khí, phụ trợ đắc lực cho công cuộc nuôi quân đánh giặc.

Tại Thái Đường Lăng – cung thờ tự tổ tiên nhà Trần, là nơi diễn ra các đại lễ, nghi thức quan trọng từ xa xưa. Vùng đất này chính là nơi chôn cất thi hài của rất nhiều những vị vua anh kiệt của nhà Trần như Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng hoàng Trần Thừa, đây cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, và một phần ngọc cốt của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông….

Các công trình kiến trúc của Đền được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh… kế thừa và phát huy kiến trúc đình làng. Riêng toà hậu cung đền Trần có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359m2, tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.

Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử gắn cùng một triều đại cường thịnh với tinh thần “hào khí Đông A”, kết tinh sức mạnh của toàn dân, quyết chiến, quyết thắng, đánh 50 vạn quân Nguyên Mông xâm lược.

Đầu năm, du xuân trảy hội đền Trần
Khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt

Đặc biệt, điều thu hút sự hiếu kỳ của du khách thập phương chính là ba ngôi mộ lớn như ba quả đồi hình quả chuông úp nằm trong quần thể Thái Đường Lăng với nhiều truyền thuyết ly kỳ.

Theo lời các bô lão đã sống tại đất Long Hưng, có vẻ như càng ngày ba quả đồi càng lớn thêm theo thời gian. Quần thể ba ngôi mộ có một bầu không khí thanh tịnh, trầm mặc, linh thiêng càng khiến cho nơi huyệt phát đế vương trở nên linh thiêng, huyền bí.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục... đều ghi rõ: “Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới”. Chuyện kể rẳng, thời ấy có một thầy địa lý thường đi tìm đất để đặt mộ cho người thân của những nhà quyền quý.

Một lần đến vùng Tinh Cương (Tam Đường ngày nay), thấy có một gò nhỏ, thầy địa lý thốt lên: “Giữa vùng sông nước sát với đất bằng mà có những gò đồng nổi lên, hẳn không phải là hoang địa”. Sau đó, thầy tới làng Tây Nha, gặp người họ Nguyễn vẫn nhờ thầy tìm đất để đặt mộ tổ để báo lại việc này. Khi công việc xong xuôi, người họ Nguyễn trở mặt bèn trói thầy bói lại đem quẳng xuống sông. May gặp lúc thủy triều xuống, thầy không chết. Trần Hấp lúc ấy đang đánh cá ở gần đó, nghe tiếng kêu cứu liền bơi thuyền lại vớt lên, rồi cởi trói và hỏi rõ đầu đuôi. Thầy bói thuật lại sự tình và cảm tạ ơn cứu mạng.

Truyền thuyết kể lại: Theo chỉ dẫn của thầy địa lý, Trần Hấp chọn giờ lành, ngày tốt, di dời mộ tổ về táng vào gò hỏa tinh, nơi táng mộ có thế đất: “Phấn đại đương giao chiếu, liên hoa đối diện sinh, tha nhật dĩ đắc thiên hạ” (nghĩa là phấn son cùng chiếu rọi, trước mặt nở hoa sen, sau này có người do nhan sắc mà lấy được cả thiên hạ).

Đầu năm, du xuân trảy hội đền Trần
Lễ hội diễn ra hàng năm, thu hút hàng vạn khách thập phương về dự

Sau này, Trần Hấp sinh người con trai là Trần Lý; Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung…. Trần Thừa sinh ra Trần Liễu, Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu (Hạo). Đến đời Trần Lý, dòng họ Trần đã giàu có và nổi tiếng khắp vùng. Vì có loạn Quách Bốc ở kinh thành, Trần Lý đã cùng gia đình đón Hoàng Hậu Đàm Thị cùng Thái tử Sảm về sống ở Lưu Gia (Lưu Xá).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Hoàng tử Sảm đi đến thôn Lưu Gia thuộc Hải ấp, nghe tin con gái Trần Lý có tư sắc bèn lấy làm vợ…” . Sau khi lấy Trần Thị Dung, vua Lý Huệ Tông đã phong cho Trần Lý (bố vợ) tước Minh tự và phong chức Điện Tiền chỉ huy sứ cho cậu vợ là Tô Trung Từ (vốn là võ quan của triều Lý). Từ đó họ Trần dốc lòng giúp vua Lý dẹp loạn Quách Bốc, Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng. Năm 1225, Chiêu Hoàng (lúc này đang làm vua) đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Từ ấy, nhà Trần bắt đầu lên làm vua, trị vì đất nước Đại Việt đúng như lời thầy địa lý từng nói.

Lễ hội đền Trần mùa xuân với nhiều nghi thức độc đáo, đặc sắc

Năm 2014, Khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt; Lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ…

Đặc biệt, lễ rước nước diễn ra trước khi khai hội và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo truyền thuyết và theo các bản thần tích thần phả còn được lưu giữ tại đền, sau khi làm lễ rước nước về đền các vua Trần xong, các làng mới được vào đền làm lễ theo 3 tuần là tuần sơ, tuần át, tuần trung.

Để tham dự hành trình rước nước từ giữa sông Hồng về đền, mỗi thôn phải có kiệu Bát Cống rước lô nhang và bài vị đi đầu, mỗi kiệu có 8 thanh niên khoẻ mạnh (chưa có vợ, gia đình không có tang trong năm, làm ăn thuận hòa) khiêng.

Tiếp đến là kiệu đặt hậu bành (trên hậu bành có 1 chum nhỏ để đựng nước, cổ chum có thắt sợi dây lụa màu đỏ), mỗi hậu bành do 4 thôn nữ chưa chồng, ăn mặc gọn gàng, nết na khiêng. Khi đoàn rước cận sông, các kiệu rước được đặt trên bờ, 4 cụ cao niên khênh chiếc chum nhỏ từ kiệu hậu bành lên thuyền và chèo ra giữa sông Hồng (nơi ngã ba Tuần Vương).

Các cụ già thả vòng dây chuối kết bện xuống sông và lấy gáo múc nước sông đổ đầy vào chum, sau đó được chuyền tay nhau lên bờ, đưa vào trong hậu bành, dùng dây lụa đỏ cột chặt rồi khênh về làm lễ tại đền Trần.

Sau từ 3 đến 5 ngày tế lễ thì chia nước cho các giáp mang về chia lại cho các gia đình trong thôn làng để lấy phúc. Tập tục này cho đến nay luôn được coi là một nét văn hoá đặc biệt của lễ hội đền Trần tại Thái Bình.

Ngoài ra, thi cỗ cá cũng là một nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc chỉ có ở lễ hội đền Trần Thái Bình, thể hiện đời sống gắn bó với sông nước của Nhân dân thời đại nhà Trần.

Đầu năm, du xuân trảy hội đền Trần
Những mâm cỗ cá dâng vua được các thôn làng chuẩn bị công phu, thịnh soạn

Vào ngày thi cỗ cá, 8 giáp thuộc 8 thôn của xã Tiến Đức đều chuẩn bị những mâm cỗ cá thịnh soạn. Cá trắm, cá chép, cá mè được đặt trên gắng đóng bằng gỗ, tầng dưới là giò, nem, ninh, mọc, mỗi thứ 4 bát như tứ linh chầu xung quanh. Cỗ cá được kiệu bởi 4 nam thanh nữ tú, đi theo sau là các cụ cao niên và đội tế của thôn.

Đoàn rước với trống rong cờ mở rợp trời đã tạo nên không khí náo nức, rộn ràng của làng quê trong ngày hội. Tiếng trống rộn vang trên con đường làng. Nghe tiếng trống, ai cũng biết cỗ cá của làng mình đang được rước về dâng vua. Không khí rộn ràng làng xóm, lòng người càng trở nên náo nức.

Đầu năm, du xuân trảy hội đền Trần
Thi cỗ cá là một nét đặc sắc được người dân địa phương vẫn gìn giữ đến ngày nay

Nét văn hóa “độc nhất” nước Nam này cho đến nay vẫn được người dân địa phương lưu giữ và tái hiện lại qua các lễ hội hàng năm.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình cho biết, những năm trước, lễ hội do huyện Hưng Hà tổ chức. Tuy nhiên, năm 2023, lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức của các vị tiền nhân, đồng thời khẳng định giá trị của di tích đền Trần, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đầu xuân, du khách trảy hội đền Trần, chiêm bái, lắng nghe những thần tích về các vị vua triều Trần, để thêm hiểu và tự hào về truyền thống văn hóa của cha ông đã gây dựng lên và dày công gìn giữ, lưu truyền cho lớp lớp thế hệ sau.

Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình năm 2023 được tổ chức trong 5 ngày (từ 13 đến 17 tháng Giêng năm Quý Mão) tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Đây là năm đầu tiên, lễ hội diễn ra với quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động, nghi thức truyền thống nhằm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Ngoài ra, tại lễ hội còn có các cuộc thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật...

Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 13 tháng Giêng với chương trình nghệ thuật mang tên “Hào khí Đông A” với 200 nghệ sĩ, diễn viên tham dự, hứa hẹn mang đến cho du khách một màn khai hội đặc sắc, xứng tầm với giá trị của di sản văn hóa phi vật thể mà các bậc tiền nhân tạo dựng và truyền lại cho thế hệ sau.

Đầu năm, du xuân trảy hội đền Trần

Chương trình do Tỉnh ủy - UBND tỉnh Thái Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, Công ty Cổ phần Quảng cáo Truyền thông Oscar, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp thực hiện.

Đầu năm, du xuân trảy hội đền Trần
Tùng Lâm
Phiên bản di động