Hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt: Asanzo có phải bồi thường cho người tiêu dùng?
Liên quan tới nghi vấn sản phẩm Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam, mới đây Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Tam đã gửi thư ngỏ tới khách hàng và các nhà phân phối.
Ông Phạm Văn Tam bên sản phẩm tivi Asanzo. |
CEO Asanzo Phạm Văn Tam cũng cho biết: "Việc Asanzo sử dụng linh kiện để lắp ráp sản phẩm và gắn nhãn ‘Made in Vietnam’ là không vi phạm pháp luật. Hiện Bộ Công Thương đang xúc tiến các công việc để xây dựng thông tư quy định ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam".
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Văn phòng Luật Phúc Quang - Đoàn Luật sư Hà Nội, Asanzo đã có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi liên tục quảng cáo là “Hàng Việt Nam Chất lượng cao”; “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” với các chiến dịch quảng bá lớn trến báo đài. Cùng với slogan “Ti vi của người Việt”, những quảng cáo của của Asanzo đã khơi gợi tâm lý và hướng người tiêu dùng vào mục tiêu “Người Việt dùng hàng Việt”.
Luật sư Nguyễn Quang Tâm |
Luật sư Quang Tâm khẳng định: Các quảng cáo, marketing cho sản phẩm, dịch vụ bao gồm các hình ảnh, chương trình giới thiệu, các hoạt động khác,… được điều chỉnh, quy định và phải tuân thủ theo Luật quảng cáo và Luật cạnh tranh.
Trong Luật quảng cáo có “Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo:
….. 9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
Luật cạnh tranh có “Điều 40. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn
1. Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh.
2. Cấm kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn quy định tại khoản 1 Điều này”
“ Điều 45. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây:….
….. 3. Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây:
a) Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công;
b) Cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành;
c) Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác”.
“Như vậy, công ty Asanzo đã vi phạm tương đối nghiêm trọng các quy định nêu trên. Sau khi các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có kết luận là vi phạm, ngoài việc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền theo Nghị định 158/2013 ngày 12/11/2013, họ còn có thể bị cơ quan chức năng buộc phải đính chính các thông tin sản phẩm, thông báo trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, nếu có khiếu nại từ người tiêu dùng, họ có thể phải đối mặt việc bồi thường, thu hồi rất lớn về sản phẩm đã bán”, luật sư Quang Tâm cho biết.