Hàng loạt sản phẩm tiếp tục được “thổi phồng” trên YouTube từ đơn vị từng vi phạm Luật Quảng cáo

Từng bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo về việc vi phạm Luật Quảng cáo khi “nổ” quá công dụng sản phẩm song nhiều đơn vị không những không gỡ bỏ quảng cáo sai phạm mà còn cho ra đời thêm nhiều sản phẩm khác với lỗi tương tự. Vậy đâu là giải pháp hữu hiệu để trị "căn bệnh nổ” này?
Quảng cáo thuốc “an toàn","điều trị tận gốc” là trái pháp luật Hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt: Asanzo có phải bồi thường cho người tiêu dùng?

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo đỏ về “Viên uống trắng da Nine’s Beauty”

Liên quan đến sản phẩm “Viên uống trắng da Nine’s Beauty”, tháng 7/2021, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo về việc Phan An Green quảng cáo sản phẩm vi phạm Luật Quảng cáo.

Thông báo công khai trên trang web https://vfa.gov.vn nêu rõ: “Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Viên uống trắng da Nine’s Beauty quảng cáo vi phạm trên website http://ninebeauty.com.vn”.

Hàng loạt sản phẩm tiếp tục được “thổi phồng” trên YouTube từ đơn vị từng vi phạm Luật Quảng cáoHàng loạt sản phẩm tiếp tục được “thổi phồng” trên YouTube từ đơn vị từng vi phạm Luật Quảng cáo
Thông báo công khai của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế trên trang web https://vfa.gov.vn liên quan đến sản phẩm “Viên uống trắng da Nine’s Beauty”.

Sau cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, các nội dung quảng cáo sản phẩm “Viên uống trắng da Nine’s Beauty” của Phan An Green trên website http://ninebeauty.com.vn bị gỡ bỏ, trang web này cũng không duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại, các quảng cáo về sản phẩm “Viên uống trắng da Nine’s Beauty” vẫn đang "nhan nhản" trên kênh YouTube.

Chỉ cần cập nhập từ khóa “Viên uống trắng da Nine’s Beauty” trên YouTube, chúng ta có thể nhận được hàng chục kết quả, trong đó thể hiện các clip quảng cáo sản phẩm, với các quảng cáo như: “Viên uống trắng da Nine’s Beauty với tác dụng giúp da toàn thân trắng mịn tự nhiên, nâng 2-3 tông sau 1 liệu trình, làm mờ vết thâm, đốm nâu, phục hồi vùng da cháy nắng, hỗ trợ trị nám, tàn nhang an toàn từ sâu bên trong, chống oxy hóa, bảo vệ da trước gốc tự do gây hại…”.

Quảng cáo trên YouTube của Phan An Green về sản phẩm “Viên uống trắng da Nine’s Beauty” đã và đang tiếp tục tiếp cận tới khách hàng ở Việt Nam và vươn tầm quốc tế trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Quảng cáo này hướng đến nhiều đối tượng khác nhau về độ tuổi, giới tính, sở thích… với biểu hiện “thổi phồng” công dụng, không đúng so với nội dung được cơ quan chức năng xác nhận.

Với loạt quảng cáo mập mờ trên YouTube, doanh nghiệp này dễ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng “Viên uống trắng da Nine’s Beauty” có thể giúp phòng bệnh, thậm chí có khả năng điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người, dù trên thực tế chỉ là sản phẩm hỗ trợ thêm và không thể có những tác dụng đến mức có thể “loại sạch nám” như các nội dung quảng cáo trên YouTube.

“Viên uống dưỡng da White Care PA” với những công dụng “trên trời”

Mặc dù bị “tuýt còi” với sản phẩm “Viên uống trắng da Nine’s Beauty” song Phan An Green lại tung ra một sản phẩm viên uống dưỡng da với công dụng “trên trời” là “Viên uống dưỡng da White Care PA”.

Chỉ cần gõ từ khoá Viên uống dưỡng da White Care PA” trong tìm kiếm YouTube, hàng loạt clip với giọng nói và hình ảnh quảng cáo thể hiện sản phẩm có hàng loạt cộng dụng như: “Bổ sung nội tiết tố nữ, hỗ trợ tăng cường sinh lý nữ, giảm các biểu hiện do thiết hụt nội tiết tố nữ. Hỗ trợ làm đẹp da, giúp tươi sáng, mịn màng; Giúp hỗ trợ và điều trị sạm da và nám má, tàn nhang, giúp dưỡng da, ngăn ngừa tạo ra sắc tố Melamin cho làn da sáng mịn; Làm mờ và ngăn ngừa xuất hiện thâm nám, đồi mồi, tàn ngang, hạn chế da bị sẫm màu do tia UV khi ra nắng gây nên, giúp chống oxy hóa bảo vệ da khỏi các tác nhân và gốc tự do gây tổn thương cho da...”.

Hàng loạt sản phẩm tiếp tục được “thổi phồng” trên YouTube từ đơn vị từng vi phạm Luật Quảng cáo
Một hình ảnh quảng cáo như "thần dược" về “Viên uống dưỡng da White Care PA”

Nhiều clip trên YouTube còn khẳng định “Viên uống dưỡng da White Care PA” “giúp giải độc cân bằng nội tiết tố, cải thiện các triệu chứng của các thời kì tiền mãn kinh như: Sinh lí kém, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, hay cáu gắt, mất ngủ, trầm cảm, bồn chồn, lo âu, xuống sắc, tích mỡ bụng, giảm ham muốn, tóc khô, xơ, gãy rụng nhiều”. Đặc biệt, sản phẩm “Viên uống dưỡng da White Care PA” còn được “thổi phồng” có thể giúp “kéo dài tuổi thanh xuân, tăng cường sức khỏe sinh lí, ngăn ngừa tim mạch”.

Ngoài ra, sản phẩm “Bách Phụ Vương” của công ty này cũng được quảng cáo như “thần dược” nữa đó là “Bách Phụ Vương” khẳng định “Chuyên gia u bướu số 1 Việt Nam”.

Quảng cáo công khai
Quảng cáo công khai

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với một vị bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị ung bướu được biết, hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh thuốc đông y có khả năng chữa được ung thư cũng như các loại sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường là điều trị được ung thư, mà tất cả chỉ mang tính chất tham khảo và hỗ trợ.

Vi phạm Luật Quảng cáo bị phạt đến 20 triệu đồng, cao hơn thì chịu trách nhiệm hình sự

Trên thực tế, nắm bắt được nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã vì lợi nhuận bất chấp sức khoẻ, tính mạng của “thượng đế”. “Chiêu” bán hàng của họ là tung hê công dụng của sản phẩm lên tận mây xanh để “dẫn dụ” khách hàng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law, cho hay: Hiện nay, chúng ta đã có văn bản pháp luật dành riêng cho lĩnh vực quảng cáo. Đó là Luật Quảng cáo 2012 và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Trong đó, Điều 8 Luật Quảng cáo hiện hành và Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như: Quảng cáo sai sự thật, Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự…

Theo quy định của Luật Quảng cáo hiện hành, căn cứ vào khoản 2 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Bên cạnh đó, các đơn vị quảng cáo phải chứng minh được những gì mình nói là sự thật. Nếu không có thể bị cơ quan chức năng đánh giá là đang “thổi phồng” công dụng sản phẩm, có dấu hiệu lừa dối khách hàng và bị xử phạt. Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp tư vấn viên, người bán hàng chỉ là sinh viên nhưng lại tự nhận là “bác sĩ”, “dược sĩ” để tạo niềm tin ở khách hàng.

Ngoài ra, việc sản phẩm không có tài liệu hợp pháp chứng minh về chất lượng “số một” mà tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình quảng cáo gian dối để lừa gạt người tiêu dùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Theo điều luật này, người có hành vi quảng cáo gian dối có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Thực tế, số lượng của những quảng cáo tương tự các sản phẩm "viên uống trắng da", "viên uống dưỡng da"... như trên quá nhiều, rất khó để có thể kiểm soát và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, việc điều tra, chứng minh hành vi vi phạm cũng không đơn giản. Nhiều công ty thuê một đơn vị bên ngoài thực hiện quảng cáo cho mình nên khi cơ quan chức năng vào cuộc, mời đại diện công ty đến làm việc thì phía công ty lại phủ nhận hoàn toàn việc thực hiện quảng cáo sản phẩm trên.

Được biết, Nghị định số 38/2021/NĐ - CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 đã quy định cụ thể các chế tài nếu có sai phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng bao gồm các hình thức phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận công bố sản phẩm.

Thế nhưng, bên cạnh việc gia tăng chế tài thì chúng ta cần chú trọng đến cơ chế phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Nhiều đơn vị hiện nay sử dụng một số phương thức để lách luật, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc. Vì vậy, điều cần nhất bây giờ vẫn là “lương tâm” của người bán và “sự thông thái” của người mua.

Hoa Thành
Phiên bản di động