Hàn Quốc thắt chặt cấp thị thực, nới lỏng làm thêm với du học sinh Việt Nam
Cụ thể, quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/3 và được đưa ra để ngăn chặn tình trạng các sinh viên quốc tế cố tình lợi dụng chương trình trao đổi ngôn ngữ để bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc lao động trái phép.
Số lượng du học sinh nước ngoài cố tình bỏ trốn, ở lại quá thời hạn dành cho thị thực trao đổi ngôn ngữ D-4 đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua, từ 4.294 trường hợp được ghi lại vào năm 2015 tới 12.526 trường hợp trong năm 2018.
Theo đó, sinh viên Việt Nam sẽ bị kiểm tra tài chính nghiêm ngặt hơn vì khoảng 70% số người nhập cư trái phép vào Hàn Quốc bằng visa chương trình đào tạo ngôn ngữ D-4 có quốc tịch Việt Nam, theo số liệu năm 2018 của Bộ Tư pháp Hàn Quốc.
Thay vì chỉ phải chứng minh có 9.000 USD học phí trong tài khoản ngân hàng, Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ yêu cầu du học sinh Việt Nam phải gửi 10.000 USD vào tài khoản và chỉ cho phép rút 5 triệu won (4.400 USD) mỗi 6 tháng, từ đó ngăn chặn hiện tượng ứng viên rút toàn bộ tiền trong một lần để trả lại cho trung tâm môi giới nhập cư ngay khi được cấp visa D-4.
Ngoài ra, các sinh viên từ Guinea, Mali, Uganda, Ethiopia và Cameroon - những nhóm có tỷ lệ bỏ học giữa chừng để đi làm - sẽ cần ít nhất một chứng chỉ TOPIK cấp 3 hoặc nhận được 530 điểm trong kỳ kiểm tra TOEFL để được nhận vào một chương trình tiếng Hàn tại một trường đại học "bậc thấp", được xếp hạng bởi Bộ Giáo dục dựa trên các yếu tố như tỷ lệ bỏ học và cư trú bất hợp pháp của cựu sinh viên.
Đồng thời, Bộ Giáo dục nước này cũng sẽ giới hạn số lượng sinh viên nước ngoài mà các trường đại học "bậc dưới" có thể nhận vào, số lượng học sinh cho mỗi giảng viên cũng được giới hạn ở con số 30. Cũng theo tiêu chuẩn này, 50 trường đại học "bậc trên" có thể cấp thị thực điện tử cho các sinh viên trao đổi ngôn ngữ của trường.
Đổi lại, các quy định về làm bán thời gian của sinh viên quốc tế cũng sẽ được nới lỏng, do có ý kiến cho rằng việc siết chặt các quy định này sẽ làm gia tăng tình trạng làm việc chui, đặc biệt là tại các trường đại học ở những thành phố nhỏ, nơi có ít lựa chọn làm việc bán thời gian.
Quy định mới cũng cho phép sinh viên nước ngoài có chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK cấp 4 trở lên có thể làm việc bán thời gian một cách hợp pháp trong lĩnh vực sản xuất.