Hải Phòng siết cách ly, gần 2.000 người không thể "vượt chốt" sang Hải Dương làm
Chính quyền huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cho biết, các công ty khó khăn khi có gần 2.000 công nhân người Hải Phòng phải nghỉ việc vì lệnh của TP Cảng.
Ngày 5/4, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ký văn bản hỏa tốc yêu cầu các chốt kiểm soát người ra vào TP, kể cả người đi bộ. Người từ các tỉnh có dịch (như Hải Dương) phải lập tức đưa đi cách ly tập trung 14 ngày.
Chốt kiểm tra tại quốc lộ 10, nơi giáp ranh giữa huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) và Vĩnh Bảo (Hải Phòng) |
Người Hải Phòng đi qua tỉnh Hải Dương phải kê khai y tế và đi cách ly 14 ngày |
Huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) có hàng nghìn công nhân người Hải Phòng sang làm việc. Từ ngày 5/4, những công nhân này phải bỏ việc vì không thể “vượt chốt” đi làm.
Anh Trần Minh T, 31 tuổi, làm việc tại công ty GFT phản ánh: “Trưa 5/4, tôi từ nhà (ở huyện Vĩnh Bảo) đi xe đạp 2km sang nhà máy (ở huyện Tứ Kỳ) để làm ca 2.
Tối quay về, tôi bị tổ kiểm dịch tại vị trí giáp ranh của Hải Phòng chặn lại. Họ nói, một là tôi quay lại Tứ Kỳ, hai là về Hải Phòng thì đi cách ly 14 ngày”.
Anh T. sợ bị đi cách ly, mất việc nên quay lại nhà bạn ở Tứ Kỳ xin tá túc. 8 ngày nay, anh phải ăn nhờ, ngủ đậu và mặc tạm quần áo của bạn.
Chị Lã Thị Ngân Hà, 30 tuổi (xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo) kể: “Tôi sợ mất việc nên sang Tứ Kỳ ở trọ. Mẹ đi ở trọ nên con ở nhà không có ai mở máy tính cho học trực tuyến".
Chị Lã Thị Ngân Hà phải thuê nhà trọ ở Hải Dương |
Lao động nghỉ việc, doanh nghiệp dừng dây chuyền sản xuất
Công ty GFT có 7.000 lao động, trong đó hơn 1.200 công nhân là người Hải Phòng. Phó giám đốc công ty Lương Ngọc Hân chia sẻ: "Hải Phòng yêu cầu cách ly 14 ngày với người đi từ Hải Dương về nên công nhân đã gửi đơn xin nghỉ việc hàng loạt, trong đó có những công nhân kỹ thuật cao không thể thay thế. Nhà máy phải ngưng 1 nửa dây chuyền sản xuất".
Công ty GFT phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất |
Giám đốc công ty Bai Hong, Lin Yun Chen than: Công ty có 1.700 công nhân, trong đó có hơn 320 người từ Hải Phòng. Gần 300 người không thể đến nhà máy, chỉ một số ít chấp nhận xa gia đình, sang Tứ Kỳ ở trọ. Huyện Tứ Kỳ không có nhiều nhà trọ nên họ phải ở ghép, chen chúc nhau, trái quy định giãn cách xã hội.
Ông cho biết thêm, công ty có 4 chuyên gia người Nhật đang ở khách sạn tại Hải Phòng. Từ ngày 6/4, họ không được đi làm vì vướng lệnh kiểm soát. Việc này khiến doanh nghiệp hết sức lo lắng. Theo ông Lin Yun Chen, công ty phải dừng 3 trong 6 dây chuyền sản xuất. Việc này khiến DN có nguy cơ đóng cửa.
Thông qua tổ chức công đoàn lao động huyện Tứ Kỳ, hàng loạt doanh nghiệp gửi văn bản kêu cứu. Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm xác nhận: Địa phương đã có công văn gửi tỉnh Hải Dương và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hải Phòng.
“Chúng tôi đề nghị Hải Phòng dỡ bỏ lệnh siết kiểm soát, cho công nhân đang làm việc tại các công ty được đi về hàng ngày khi xuất trình thẻ công nhân, thẻ căn cước. Họ đi làm để giúp các doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng đã ký và cũng là để đảm bảo cuộc sống.
Cách ly người với người chứ không phải phong tỏa địa giới hành chính. Hải Phòng làm như cậy là đang kỳ thị chúng tôi”, ông Sẫm nêu.