Hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa
Cuộc thi trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội 2023 Cần coi trọng chất lượng trong tu bổ, tôn tạo và số hóa di tích |
Nhiều thành tựu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Văn hóa là nền tảng, giáo dục là động lực và khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững thể hiện rõ trong quy hoạch tất cả 63 tỉnh thành địa phương ở Việt Nam. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu của mỗi địa phương cũng như sức mạnh mềm của Việt Nam. Hà Nội – thành phố vì hòa bình, Quần thể di tích Tràng An - di sản văn hóa thế giới; Cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản phi vật thể thế giới, Vườn Quốc gia Cát tiên – khu dự trữ sinh quyển… Những danh hiệu này không chỉ một trong những nhân tố trung tâm của chiến lược phát triển bền vững mà còn là trung tâm với lực hấp dẫn mạnh mẽ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 57 danh hiệu UNESCO, bao gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 3 thành phố học tập toàn cầu UNESCO, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế. Các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam là tài sản lớn của quốc gia cần được gìn giữ và bảo tồn, để từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội các địa phương.
Đáng chú ý, danh hiệu UNESCO đã giúp thu hút khách du lịch. Năm 2019, khách du lịch quốc tế, khách Việt Nam tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh, đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan và dịch vụ di lịch, như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã đón 4.4 triệu khách, trong đó, 2.9 triệu khách quốc tế, 1.5 triệu khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón 6.327.488 lượt khách, trong đó, 5.567.628 khách trong nước, 759.859 khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 867.5 tỷ đồng; Quần thể di tích Cố đô Huế đón 3.328.424 khách, trong đó, khách quốc tế là 2.214.023 người, 1.114.401 khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 378 tỷ đồng; Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 921 nghìn lượt khách; trong đó, có 170 nghìn lượt khách quốc tế, trên 751 nghìn lượt khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 266 tỷ đồng; Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) đón 5.35 triệu lượt khách, trong đó, có 4 triệu lượt khách quốc tế và trên 1.35 triệu lượt khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 300 tỷ đồng; Khu Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) đón 419.000 khách, trong đó, có 374.000 khách quốc tế, 45.000 khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 61 tỷ đồng; Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đón 461.715 lượt khách, trong đó, có 230.459 khách quốc tế, 231.256 khách trong nước, doanh thu từ du lịch 11.1 tỷ đồng; Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) đón 126.660 khách, trong đó, 7.255 khách quốc tế, 119.405 khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 2.1 tỷ đồng.
Điều đặc biệt có ý nghĩa là việc bảo tồn và quảng bá di sản, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế, mô hình phát triển xã hội của địa phương, tạo cơ hội giúp các hộ gia đình chuyển đổi hoạt động kinh tế từ việc làm nông nghiệp sang hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc làm thuê tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, hay thông qua việc phát triển các dịch vụ du lịch mới như các homestay, farmstay...tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động tại địa bàn có di sản. Mô hình phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO như mô hình phát triển du lịch xanh, sạch và bền vững được các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông đặc biệt quan tâm phát triển nhằm bảo tồn di sản văn hóa địa phương và phát triển mô hình phát triển du lịch bền vững thông qua các dự án khách sạn sinh thái, các hình thức kinh doanh, hợp tác xã sản xuất, lấy người dân địa phương,...
Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO đánh giá là điển hình của thế giới về công tác bảo tồn |
Con người là trung tâm của phát triển bền vững
Tại Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam mới đây, hơn 20 tham luận trực tiếp và trực tuyến cùng nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu đã tập trung làm rõ 3 chuyên đề trọng tâm gồm: Thực tiễn về phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; Giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh các thành tựu nêu trên, công tác bảo tồn, phát huy ý nghĩa giá trị danh hiệu UNESCO vẫn còn nhiều bất cập. Phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO. Nhận thức về bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội để phát triển bền vững, lâu dài chưa có sự chuyển biến tích cực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Ngoài ra, một bộ phận nhân lực quản lý các danh hiệu còn chưa theo kịp với yêu cầu trong thời kỳ hội nhập. Một trong những thách thức lớn nhất cần giải quyết là làm sao để hài hòa giữa việc phát triển lợi ích kinh tế và việc bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Việt Nam đã xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Dân tộc Việt Nam văn hiến với lịch sử bốn nghìn năm luôn nhận thức rõ và coi việc giữ gìn, phát huy các di sản, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên là tri ân truyền thống, bảo đảm quyền phát triển của các thế hệ tương lai.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng khẳng định, để bảo tồn di sản, các quốc gia phải nhìn nhận nguồn lực theo hướng đa dạng chứ không chỉ ở lĩnh vực tài chính; Xác định con người là trung tâm, mục tiêu của phát triển bền vững, tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản… Cần làm sao để có sự chung tay từ cộng đồng cư dân địa phương tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản vì đây mới là nguồn lực quan trọng nhất. Đồng thời, việc bảo tồn không chỉ chú trọng vùng lõi di sản mà cần có hoạch định cụ thể trên cả vùng đệm.