Hải Dương tổ chức Hội nghị Gặp gỡ doanh nhân Nhật Bản
Toàn cảnh chương trình Gặp gỡ doanh nhân Nhật Bản tại Hải Dương |
Chương trình Gặp gỡ doanh nhân Nhật Bản là hoạt động nằm trong Tuần lễ Xúc tiến thương mại và du lịch, do tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 27/5 - 1/6.
Đây là cơ hội để Hải Dương trao đổi về định hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung và chuẩn bị đón dòng đầu tư từ Nhật Bản nói riêng, cũng như tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu tiềm năng đầu tư ở địa phương.
Nhân dịp này, Hải Dương cũng vinh danh những đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với tỉnh.
Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có 60 dự án FDI đến từ Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, đứng thứ hai về số lượng dự án và số vốn đầu tư FDI trên địa bàn.
Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương là linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí... với quy mô vốn tương đối khá, trung bình 24 triệu USD/dự án.
Các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các dự án có vốn FDI Nhật Bản tại Hải Dương đạt 915 triệu USD, chiếm 9,3% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, đóng góp 12,4% vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh.
Những năm qua, các dự án FDI Nhật Bản có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển nên được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Các đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cũng chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ để đón dòng vốn FDI từ quốc gia này.
Doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ nổi bật bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn cho thấy sự vượt trội trong văn hoá doanh nghiệp, đóng góp cho an sinh xã hội, đáp ứng đầy đủ các điều kiện thu hút đầu tư của tỉnh trên quan điểm: Không thu hút FDI bằng mọi giá mà chọn lọc theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhận định, Hội nghị Gặp gỡ các doanh nhân Nhật Bản được tổ chức rất đúng lúc, ngay sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 30/4 - 1/5 vừa qua, nhằm tăng cường sự hiểu biết và cơ hội hợp tác giữa Hải Dương và các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại Hội nghị |
Đại sứ Yamada Takio đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng trong việc duy trì kết nối, hợp tác với Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh căng thẳng vì đại dịch COVID-19 vừa qua. Tuy nhiên, Đại sứ nhận định, cần có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận tỉnh Hải Dương, nhằm làm nổi bật ưu thế của tỉnh so với các địa phương khác.
Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19 thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương phải dừng hoạt động, bị phong tỏa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và đồng lòng hỗ trợ của chính quyền tỉnh, các doanh nghiệp này đã được hỗ trợ tối đa và phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách ổn định.
Đại sứ Yamada Takio đề xuất 3 giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Một là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là hệ thống nhà ở, giáo dục, y tế cho người lao động để đảm bảo ổn định nguồn lao động giữa sự cạnh tranh khốc liệt với các địa phương khác.
Hai là ổn định nguồn điện. Tình trạng mất điện ở Hải Dương không diễn ra thường xuyên, nhưng khi số lượng doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại đây tăng lên hàng ngày, nhu cầu điện năng cũng sẽ tăng theo, khiến việc duy trì và tăng cường cung ứng điện trở nên rất quan trọng.
Ba là hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ pháp luật hiện hành. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương gặp khó khăn trong việc cập nhật những điều chỉnh, thay đổi các quy phạm pháp luật, do đó Hải Dương cần tổ chức các buổi giới thiệu về các nội dung sửa đổi, hướng dẫn, đối thoại để giúp các doanh nghiệp nắm rõ hơn các thay đổi trên.
Tọa đàm Hải Dương - Điểm đến đầu tư FDI. |
Giai đoạn 2021 - 2050, tỉnh Hải Dương xác định rõ chiến lược phát triển là "Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số", với mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, với 4 trụ cột kinh tế chính: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.