Hà Nội tiếp tục “dẹp loạn” các cửa hàng kinh doanh sản phẩm dầu gội trôi nổi BiBop
Trước đó báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có thông tin về việc trên thị trường xuất hiện dòng mỹ phẩm BiBop với các sản phẩm dầu gội, ủ tóc, nhuộm tóc, được giới thiệu rầm rộ trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử ghi xuất xứ từ Nhật Bản, tuy nhiên Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã khẳng định đơn vị này chưa hề cấp giấy phép lưu hành cho dòng sản phẩm BiBop.
Chiêu trò để qua mặt cơ quan chức năng |
Để qua mặt người tiêu dùng, những người bán dòng sản phẩm trôi nổi BiBop đã sử dụng hình ảnh giấy tờ phiếu công bố tự chế, tự in số công bố, tên công ty phân phối “ảo” vào phần tem phụ. Thậm chí khi khách hàng muốn xuất hóa đơn “con buôn” sẵn sàng viết hóa đơn bán hàng của một hộ kinh doanh và để trống phần số lượng nhập hàng.
Đột kích kho chứa hơn chục tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại Đông Anh |
Tuy nhiên những mánh khóe trên đã không qua mắt được lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), ngày 16/3, Đội QLTT Số 17 - Cục QLTT TP Hà Nội đã triệt phá một kho hàng cấp giữ hàng chục nghìn sản phẩm mang nhãn hiệu BiBop tại địa chỉ số 19 Nhân Hòa, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Tiếp đó ngày 19/3/2021, Đội QLTT số 1 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) đã phối hợp với thành viên Tổ công tác 368, Tổng cục QLTT, Đội QLTT số 22 (Cục QLTT TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ ngõ 56 đường Cầu Vồng, phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, phát hiện có gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu BiBop, dung dịch nhuộm tóc BiBop, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại dành cho nam giới và tem nhãn dạng rời (trong đó một số đã được dán nhãn và một số chưa dán nhãn).
Toàn bộ số hàng không có hóa đơn chứng từ do Trần Đức Trường (31 tuổi) làm chủ khai nhận mua trôi nổi ngoài thị trường thông qua mạng xã hội facebook của người không quen biết, sau đó lại bán online thông qua tài khoản có tên “Trần Đức Trường”.
Sản phẩm BiBop trôi nổi vẫn được rao bán trên MXH |
Những tưởng sau khi 2 kho hàng có chứa dòng sản phẩm trôi nổi BiBop bị lực lượng chức năng xử lý quyết liệt như trên sẽ là sự răn đe đối với những đối tượng vi phạm kinh doanh hàng lậu, hàng thiếu chứng nhận an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng… nhưng các tài khoản fanpage facebook Đại Lực MP; Nguyễn Thị Thêu, Loan Nguyễn, Dầu gội BiBop chính hãng… vẫn miệt mài đăng bài bán và quảng cáo sai sự thật về sản phẩm này.
Để "lòe" người tiêu dùng về xuất xứ sứ, trên bao bì sản phẩm BiBop chỉ được in chữ nước ngoài |
Điều ngạc nhiên là những sản phẩm BiBop được các cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng dạng “tổng kho” bày bán công khai.
Sau khi ghi nhận thực tế những điểm kinh doanh đang công khai bày bán sản phẩm BiBop khi sản phẩm chưa đầy đủ điều kiện lưu hành, phóng viên báo Tuổi trẻ thủ đô đã thông tin đến lực lượng QLTT để kiểm tra, xử lý.
Sau khi nhận được thông tin chiều 31/3, Đội QLTT số 11 - Cục QLTT Hà Nội đã nhanh chóng, quyết liệt kiểm tra những hộ kinh doanh như cơ sở kinh doanh Thảo Dương (Căn C11 – 02, KĐT Geleximco – đường Lê Trọng Tấn – Dương Nội – Hà Đông); cơ sở kinh doanh Thảo Nhung ( ô5 – C64 – Khu C KĐT Geleximco – đường Lê Trọng Tấn – Dương Nội – Hà Đông); cơ sở Nguyễn Dương (14 – 15 - C16, KĐT Geleximco – đường Lê Trọng Tấn – Dương Nội – Hà Đông) qua đó đã phát hiện nhiều sản phẩm đồ gia dụng, mỹ phẩm (trong đó có sản phẩm trôi nổi BiBop – Pv) không có hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận an toàn.
Cụ thể, đối với cửa hàng kinh doanh gia dụng Nguyễn Dương, Đội QLTT số 11 đã tiến hành tạm giữ hàng hoá đồ gia dụng, mỹ phẩm nhập lậu trị giá 11.250.000 đồng (dự kiến xử phạt 6.000.000 đồng); Cửa hàng kinh doanh gia dụng Thảo Dương, tạm giữ số lượng mỹ phẩm nhập lậu các loại trị giá 29.630.000 đồng (dự kiến xử phạt 17.000.000 đồng); Cửa hàng kinh doanh gia dụng Thảo Nhung tạm giữ hàng hoá đồ gia dụng trị giá 28.000.000 đồng (dự kiến xử phạt 8.000.000 đồng).
Ông Vũ Văn Hùng – Đội phó Đội QLTT số 11 cho biết: “Đối với các cơ sở kinh doanh đồ gia dụng tại khu KĐT Geleximco, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, lần nào kiểm tra cũng phát hiện vi phạm và đều xử lý nghiêm khắc”.
Các cơ sở vẫn ngang nhiên bán sản phẩm không giấy tờ lưu hành |
Nhận định về tình hình mua bán hàng lậu ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện đó là các đối tượng buôn lậu, lợi dụng các khu nhà đang hoàn thiện hoặc ở vùng ngoại thành xa xôi… để cất giữ hàng hóa vi phạm, hàng lậu hàng giả và khi giao dịch bán hàng đã có đơn vị vận chuyển đến tận kho để nhận hàng, thu tiền hộ và giao đến tận nhà cho người mua hàng.
Cửa hàng Thảo Dương |
“Cục QLTT Hà Nội cũng kiến nghị với các cơ quan chức năng sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các Nghị định, đặc biệt là Nghị định 98 và Nghị định 15 vấn đề về xử phạt trong lĩnh vực về Bưu chính - Viễn thông để làm rõ vấn đề hiện nay giữa hàng hóa chuyển phát với hàng hóa bưu chính chưa được rõ ràng, khiến các đối tượng lợi dụng để vận chuyển hàng lậu”, ông Việt Hùng cho biết.