Hà Nội sẽ sớm hoàn thiện hệ thống Smart City để tiếp nhận ý kiến của người dân
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình |
Phát biểu tại phiên họp giải trình của HĐND TP Hà Nội sáng nay (5/6), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian quan thành phố đã tích cực và kiên trì giải quyết các kiến nghị của cử tri liên giải quyết các khiếu nại tố cáo. Trong hơn 4 năm có hơn 12.000 kiến nghị của cử tri đều được UBND thành phố trả lời, gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội thành phố để truyền tải đến cử tri.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, trong quá trình phát triển của Hà Nội, nhiều vấn đề cử tri nêu, thành phố đã chưa thể giải quyết đáp ứng đúng mong đợi. Nguyên nhân có yếu cố khách quan, có yếu tố chủ quan nhưng trong đó có trách nhiệm của chính quyền các cấp và của Chủ tịch UBND thành phố.
Nêu vấn đề phát triển các cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện Hà Nội tiếp tục hoàn thiện 23 hồ sơ cụm công nghiệp làng nghề và dự kiến bàn giao cho chủ đầu tư vào hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và Phát triển" được Hà Nội tổ chức vào ngày 27/6. Điểm khác biệt của 23 cụm công nghiệp làng nghề sắp bàn giao cho chủ đầu tư so với các cụm công nghiệp trước đây là được xây dựng cơ sở đồng bộ và không được chuyển hộ gia đình ra sinh sống; Ưu tiên cho phát triển nghề truyền thống của làng nghề cổ truyền, phát triển công nghệ sạch, công nghệ cao, xây dựng đồng bộ hệ thống nước thải...
"Tôi tin với quy hoạch cụm công nghiệp như hiện nay, thành phố phấn đấu từ nay đến cuối năm tiếp tục giải quyết các cụm công nghiệp còn lại để thời gian tới thu hút dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển sản xuất, thu hút nghệ nhân tay nghề cao...", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu.
Đối với việc cung ứng dịch vụ liên quan đến thoát nước, môi trường, xử lý nước thải... Chủ tịch Hà Nội cho biết các dịch vụ này trước đây đặt theo cơ chế đặt hàng. Thời gian qua thành phố đã xử lý ô nhiễm được 90 hồ, còn các hồ ở ngoại thành phân cấp cho các huyện. Tuy nhiên do các huyện sử dụng công nghệ cũ nên xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả, vì vậy thời gian tới thành phố tiếp tục áp dụng công nghệ mới để xử lý ao hồ ô nhiễm trên địa bàn.
Đối với hệ thống chiếu sáng, thành phố hiện có có 350 nghìn bóng đèn chiếu sáng, theo quy hoạch đến 2025 sẽ quản lý mô hình chiếu sáng theo công nghệ thông minh, sử dụng đèn LED, cảm biến tự động. Thành phố đã giao huyện Gia Lâm thí điểm để nhân rộng, quản lý toàn bộ chiếu sáng theo hệ thống thông minh để giai đoạn tới sẽ chuyển toàn bộ hệ thống chiếu sáng thông minh.
Về nội dung xây dựng công trình nhà ở ngoài đê sông Hồng, sông Đuống, Chủ tịch TP Hà Nội cho biết: Thành phố hiện có trên 800 nghìn dân đang sống ngoài đê và do vướng Luật Đê điều nên thành phố chưa thể xây dựng cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm đầy đủ được. Hà Nội cũng đã tiến hành xây dựng quy hoạch phân lũ sông Hồng, sông Thái Bình, tuy nhiên hiện nay do vướng Luật Quy hoạch đê điều nên chậm lại. Để khắc phục, thành phố đã cho phép các gia đình có sổ đỏ xây dựng tạm.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong quá trình xây dựng và phát triển, những vấn đề phát sinh của Thành phố đang tồn đọng thường phức tạp, vì vậy trong thời gian tới thành phố tiếp tục giao các cơ quan thực hiện đúng lịch tiếp dân để giải quyết các vụ việc; Giao Ban tiếp công dân rà soát để giải quyết dứt điểm; Phối hợp Tòa án nhân dân thành phố để xét xử các vụ việc phức tạp; Phối hợp các đơn vị tổ chức tốt tổ hòa giải ở phường xã, thôn xóm.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Thành phố sẽ tiếp tục kiên trì mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tiếp tục giải quyết các vấn đề cử tri nêu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô".
Theo đó, Hà Nội sẽ sớm hoàn thiện hệ thống Smart City để làm kênh tiếp nhận ý kiến của người dân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu đến ngày 30/6 có 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4.