Hà Nội khắc phục dần chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các địa bàn
Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng…
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045: Tính đến hết tháng 6/2022, toàn Thành phố có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn thành phố, với gần 1 triệu sinh viên, học viên.
Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Quang cảnh hội nghị |
Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, hoàn thành các nhiệm vụ năm học, kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành học mầm non có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động kết nối với gia đình trẻ để triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục khi trẻ phải tạm dừng đến trường trong phần lớn thời gian của năm học.
Cấp học phổ thông triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2, 6. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi với 125 học sinh đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 63 huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. Điểm nhấn đáng chú ý là trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, cao hơn năm trước 13 đơn vị.
Năm học 2021-2022, khối các trường trực thuộc Sở đã được Thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới 6 trường học các cấp với tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng; Cải tạo, sửa chữa 45 trường với tổng kinh phí khoảng 166 tỷ đồng; Bố trí 204 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc.
Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học, với tổng mức đầu tư khoảng 1.965 tỷ đồng; Cải tạo, sửa chữa được 560 trường học các cấp học với tổng mức đầu tư khoảng 4.842 tỷ đồng; Bố trí 1.260 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6; Bố trí kinh phí mua sắm bổ sung dự kiến khoảng 706 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quận, huyện, thị xã và kinh phí hỗ trợ của thành phố.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Giáo dục Hà Nội còn gặp một số khó khăn về việc bố trí quỹ đất để xây dựng trường học ở các quận nội thành; thiếu giáo viên ở một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục xác định chủ đề là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Toàn ngành tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông…
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý ngành giáo dục Thủ đô trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023. Đó là thực hiện tốt “mục tiêu kép” là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm chất lượng giáo dục, vừa củng cố kiến thức, vừa dạy kiến thức mới; triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Tích cực đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường xã hội hóa.
Đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng, tâm huyết, đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên để đạt được những kết quả rất đáng khích lệ năm học 2021-2022, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận diện rõ những vấn đề còn bất cập, khó khăn để có giải pháp khắc phục, trong đó quan tâm đến vấn đề tư vấn tâm lý học đường; Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội; Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhấn mạnh những thuận lợi và vị thế của Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung thực hiện ba nhóm việc: Tiên phong triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; mạnh dạn tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách mới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, khắc phục dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn. Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần quan tâm giáo dục sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh công tác giáo dục địa phương để nâng cao giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng nhân ái cho học sinh.
Bên cạnh đó, toàn ngành cũng cần tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn mức độ 2; Xây dựng một số trường liên cấp hiện đại; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những nỗ lực của ngành GD-ĐT Hà Nội trong năm học vừa qua, năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6, tạo đột phá đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Lắng nghe báo cáo tổng kết năm học của Sở GD&ĐT Hà Nội cùng tham luận của các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện 6 nội dung trong năm học tới nhằm hoàn thành kế hoạch năm học, đưa Giáo dục Thủ đô ngày càng phát triển.
Năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các lớp 3, 7, 10 cùng với các khối lớp 1, 2, 6 triển khai trong 2 năm trước. Ngành Giáo dục cần quan tâm bố trí giáo viên dạy các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ đối với lớp 3, môn Khoa học tự nhiên đối với lớp 6, lớp 7. Đối với lớp 10, cần tiếp tục nghiên nghiên cứu chương trình mới, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học.
Nhấn mạnh tài sản quý nhất của giáo dục thủ đô là 138 nghìn giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý ngành GD-ĐT Hà Nội cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng, hình thành đội ngũ giáo viên giỏi, đẳng cấp quốc tế.