Hà Nội: Giao thông khác mức - phương án giảm ùn tắc tại các nút giao thông
Điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt phục vụ thi công ga ngầm S12 Hiệu quả từ việc tổ chức lại giao thông tại các nút giao Hà Nội đơn giản hóa 18 thủ tục hành chính lĩnh vực giao thông vận tải |
Tuyến đường Vành đai 3 có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô. Đây vừa là trục giao thông nội đô, vừa là trục giao thông kết nối nhiều tỉnh, thành phố với trung tâm Thủ đô Hà Nội, vì vậy có lưu lượng xe rất lớn.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 về việc quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên tuyến đường Vành đai 3 dự kiến sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ các nút giao khác mức: Nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3; nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Vành đai 3; Nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3.
Cảnh tượng ùn tác tại nút giao đường Dương Đình Nghệ với đường Phạm Hùng. |
Hiện nay, dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác, vì vậy việc triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các nút giao trên là cần thiết.
Do đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đề xuất UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, giao Ban phối hợp triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nêu trên.
Để giảm ùn tắc tại những nút giao, những năm gần đây, Thủ đô Hà nội đã đầu tư xây dựng loạt hầm chui.
Những công trình này đi vào hoạt động đã giảm xung đột giao thông và xóa các điểm đen ùn tắc, qua đó, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hầm chui Lê Văn Lương góp phần giảm ùn tắc tại nút giao giữa đường Lê Văn Lương - Tố Hữu và Vành đai 3. |
Thành phố Hà Nội đã xây dựng một loạt hầm chui như: hầm chui Kim Liên, hầm chui Trung Hòa và hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Lê Văn Lương, hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng.
Hầm chui Trung Hòa: Đây là nút giao thông quan trọng giao cắt giữa đường Vành đai 3 với điểm đầu Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Mỗi chiều hầm có 3 làn xe cơ giới, chiều rộng 3,5m/làn với tổng kinh phí cho việc mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh nút giao này là 1.087 tỷ đồng. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8m (trong đó hầm kín dài 120m, hầm hở dài 488m, đường dẫn vào hầm dài 83,8m).
Hầm chui Thanh Xuân qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi có chiều dài 980m, được khởi công từ tháng 6/2014 từ kinh phí hơn 500 tỷ đồng vốn ODA Nhật Bản.
Hầm có tổng mức đầu tư 551 tỷ đồng, mỗi chiều hầm có 2 làn xe cơ giới vận tốc thiết kế 60km/h. Chiều dài của phần hầm kín là 109m, hầm hở chữ U 280m và tường chắn chữ L 325m. Vốn là điểm giao cắt phức tạp giữa Quốc lộ 6, đường vành đai 3 giai đoạn 1, giai đoạn 2 và tuyến đường sắt trên cao, hầm chui Thanh Xuân giúp hóa giải tình trạng ùn tắc tại đây.
Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 được xây dựng theo hướng đường Lê Văn Lương, đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m.
Tổng giá trị phê duyệt dự án gần 780 tỷ đồng từ nguồn từ ngân sách Thành phố Hà Nội. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).
Hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng vừa được khởi công ngày 6/10/2022 với tổng mức đầu tư xây dựng công trình gần 800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2025. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, tăng khả năng lưu thông của các phương tiện.