Hà Nội: Gần 38.000 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, đến hết tháng 4/2019, Hà Nội có 37.557 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng, tăng hơn 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12/2018.
Bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, cho biết, nguyên nhân số tiền nợ tăng cao là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động không bảo đảm. Công tác đôn đốc, thanh kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN ở một số nơi chưa sâu sát…
Trong số các đơn vị nợ đọng, Công ty cổ phần Lilama 3 có số nợ lớn nhất thành phố với 33 tỷ đồng, nợ kéo dài gần sáu năm. Lý giải nguyên nhân, đại diện Công ty cổ phần Lilama 3 cho biết:“Vì là công ty xây lắp nên Công ty bị dự án nợ đọng rất nhiều, trong đó có dự án nợ đọng hơn 60 tỷ đồng, dẫn đến việc chậm đóng BHXH, BHYT. Trong số 33 tỷ đồng công ty nợ BHXH, BHYT thì có đến một nửa là lãi suất”. Từ thực tế đó, Công ty cổ phần Lilama 3 kiến nghị BHXH TP Hà Nội xem xét khoanh một phần nợ, Công ty sẽ có lộ trình để trả dần, đồng thời, xem xét phần tính lãi, bởi trong số nợ 33 tỷ đồng thì có đến hơn một nửa là tiền lãi.
Đứng thứ hai về nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment, với số nợ hơn 21 tỷ đồng, kéo dài 18 tháng. Tại Hội nghị, đại diện Công ty cho biết, do đặc thù sản xuất ngành nghề may mặc, số lượng công nhân đông nhưng việc sản xuất lại theo mùa vụ thất thường. Do đầu năm công ty ít đơn hàng, doanh thu không có dẫn tới không đóng được bảo hiểm hàng tháng cho người lao động. Đến cuối năm vào mùa cao vụ, hàng hóa sản xuất tốt, doanh thu tốt nên tập trung đóng bảo hiểm vào cuối năm. Trong số nợ bảo hiểm, có đến một nửa là tiền lãi. Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment kiến nghị, BHXH TP Hà Nội cho kê khai tách đóng và chốt sổ bảo hiểm đối với người lao động đã nghỉ việc để bảo đảm quyền lợi cho người lao động đã nghỉ việc và tạo sự yên tâm cho người lao động đang làm việc tại Công ty…
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về các chế độ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn và đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ BHXH năm 2019 xuống dưới 2%, BHXH TP Hà Nội đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên tuyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động hàng tháng đúng quy định; phối hợp cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN... Đề nghị các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp nợ đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Về các vướng mắc, ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu BHXH TP Hà Nội rà soát các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHYTN và tập hợp những vướng mắc khó khăn để đề xuất BHXH Việt Nam và các cấp, ban, ngành có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét. Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động.