Hà Nội dừng triển khai 82 dự án BT
Thái Nguyên: Chỉ có 1 công ty nộp hồ sơ đấu thầu Dự án khu CNTT tập trung Yên Bình Giải quyết vi phạm hợp đồng bằng thương lượng, hòa giải – Biện pháp tiên quyết |
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội có văn bản thông báo dừng triển khai đối với 82 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trên địa bàn.
Trong danh mục các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng; 11 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cung đường huyết mạch Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai |
Theo đó, 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển quy mô 7,5 km do liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest - Công ty CP Đầu tư Văn Phú CIC - Công ty CP Đầu tư Văn Phú số 1 - Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ - Công ty TNHH An Quý Hưng thực hiện.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với quy mô 23,1km do liên danh Công ty CP Sông Đà - Tổng công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) - Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty CP Đại An thực hiện.
11 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi gồm: dự án vành đai 3,5 - xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long do Công ty CP Him Lam thực hiện; dự án đường 70 đoạn từ Nhổn đến đại lộ Thăng Long - Hà Đông do Công ty CP Bất động sản Thái An thực hiện; dự án vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32 do liên danh Công ty Gia Long - Công ty Xuất nhập khẩu Thăng Long; dự án xây dựn 03 tuyến đường Đa Tốn đi đường Hà Nội- Hải Phòng, đường từ khu đô thị Ecopark đi 179, đường 179 từ đường Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải do Công ty CP Phát triển đô thị Việt Hưng thực hiện...
69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 9 đoạn thành phần đường Vành đai 2,5; Vành đai 3; 3,5; 4 và 5. Như dự án xây dựng vành đai 2,5 đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ do Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội Geleximco thực hiện; dự án vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng do liên danh Công ty CP thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty CP đầu tư xây dựng Mekong E&C - Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đại Việt thực hiện; Dự án vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do liên danh Công ty CP Eurowindow Hoding - Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Đông Dương - Công ty CP Đầu tư thương mại và bất động sản Thế Vinh thực hiện... Đáng chú ý chủ đầu tư của các dự án này đều là các doanh nghiệp lớn ngành BĐS như Geleximco, Hatexco, HUD, Eurowindow Holding, T&T,...
6 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống gồm: Cầu Trần Hưng Đạo (Him Lam làm chủ đầu tư); cầu Tứ Liên (Sungroup); Thượng Cát (Tập đoàn Cường Thịnh Thi - Tập đoàn Xây dựng miền Trung); Giang Biên (Công ty CP Phát triển đô thị Việt Hưng); cầu Hồng Hà (Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn) và cầu Đuống 2 (CIENCO1 - Đức Bình - Cái Mép).
Ngoài ra còn có tuyến trục Tây Thăng Long đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ, Đan Phượng do Công ty CP Đầu tư và hợp tác quốc tế Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư Louis Land làm chủ đầu tư; tuyến đường chính nhóm Hạ tầng khung Nhật Tân - Nội Bài, đoạn dự án dọc theo QL3, đường 70 của Bitexco,...
Trong tổng số 82 dự án trên, Công ty CP Tập đoàn T&T có 3 dự án, gồm: Dự án vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 5 kéo dài; dự án Vành đai 4 đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32 và đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cuối cùng là xây dựng tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây tới phía Bắc Đền Và.
Tập đoàn Ecopark (Công ty CP Phát triển Đô thị Việt Hưng) cũng có 4 dự án gồm: Dự án xây ba tuyến đường Đa Tốn (trên đường Hà Nội - Hải Phòng), đường nối khu đô thị với đường 179, đường 179 từ Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải; dự án xây cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu; dự án cải tạo sông Đáy; dự án hạ ngầm đường cao thế đoạn Chèm - Tây Hồ.
Công ty CP Tập đoàn Nam Cường có dự án xây dựng đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) với quy mô 20 km; Công ty CP Tasco có dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp làm đường giao thông từ Liên Mạc đến cống Hà Đông, quy mô 17,7km; dự án xây dựng đường vành đai thị trấn Quốc Oai (từ đường Bắc Nam đô thị Quốc Oai đến đường tỉnh 421B)…
UBND TP Hà Nội cho biết việc dừng triển khai các dự án BT trên địa bàn TP là do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021) đã quy định dừng triển khai dự án BT mới, dừng thực hiện dự án BT chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Năm 2020, tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã họp về việc rà soát các dự án đầu tư theo hình thức PPP của thành phố.
Theo đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo đối với các dự án chưa giao nhà đầu tư (kể cả dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư) giao Sở KH&ĐT thông báo cho các nhà đầu tư đề xuất dự án, nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án việc dừng công tác chuẩn bị đầu tư.
Năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án sang hình thức đầu tư công trên địa bàn.